Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tỉnh Cà Mau bước vào một giai đoạn phát triển mới với diện tích tự nhiên hơn 7.942 km², dân số trên 2,6 triệu người và 64 đơn vị hành chính trực thuộc (xã, phường).
Với lợi thế đặc thù về vị trí địa lý, tài nguyên biển và hệ sinh thái đặc trưng, Cà Mau có nhiều điều kiện để bứt phá trở thành cực tăng trưởng phía Nam của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra không ít thách thức về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và sức chống chịu trước biến đổi khí hậu.
![]() |
Cà Mau đang từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành cực tăng trưởng năng động ở cực Nam Tổ quốc |
Tiềm năng khơi thông động lực phát triển mới
Sau hợp nhất, không gian phát triển của tỉnh được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch, đầu tư đồng bộ các ngành kinh tế trọng điểm. Đặc biệt, tỉnh có thể tận dụng các lợi thế địa phương để thúc đẩy các trụ cột phát triển gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, kinh tế biển và năng lượng tái tạo (gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối...) được xác định là hướng đi chiến lược.
Với bờ biển dài 310 km và vùng biển rộng hơn 120.000 km², Cà Mau sở hữu vị trí chiến lược để phát triển kinh tế biển toàn diện. Các trung tâm kinh tế ven biển như Gành Hào, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội… sẽ vừa là trung tâm khai thác - nuôi trồng thủy sản, vừa là đầu mối logistics du lịch biển. Với hệ sinh thái khép kín, hiện đại, địa phương này đang hướng đến phát triển mô hình "vựa thủy sản lớn nhất cả nước", diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 450.000 ha, sản lượng tôm dẫn đầu cả nước với khoảng 560.000 tấn/năm.
![]() |
Cầu Gành Hào nối liền 2 tỉnh Bạc Liêu (cũ) và Cà Mau |
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Cà Mau hiện đạt gần 2,6 tỷ USD mỗi năm, đứng đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản. Đặc biệt, tỉnh đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và năng lượng sạch. Các dự án điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện khí hóa lỏng và sản xuất hydro xanh đã và đang thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, hứa hẹn tạo cú hích lớn cho kinh tế địa phương.
Cấp thiết về tái cấu trúc và đầu tư hạ tầng
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng thực tế cho thấy quy mô nền kinh tế của tỉnh sau hợp nhất vẫn còn nhỏ. Theo báo cáo mới đây về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau, tổng GRDP sau hợp nhất (cả 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau cũ) ước đạt khoảng 7 tỷ USD, chiếm 1,4% GDP cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu GRDP vẫn ở mức cao (trên 30%), phản ánh nền kinh tế chưa chuyển dịch mạnh sang công nghiệp – dịch vụ. Thu ngân sách địa phương chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, xếp thứ 29/34 tỉnh, thành sau hợp nhất.
![]() |
Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0) ở mũi Cà Mau được xây dựng từ năm 1995 |
Hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội còn thiếu và yếu, nhất là giao thông kết nối liên vùng, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, thời gian lưu thông hàng hóa kéo dài. Suất đầu tư cao, thiếu vật liệu xây dựng tại chỗ cũng khiến nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn địa bàn này.
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới, nhất là nhân lực có trình độ cao trong các ngành công nghệ, logistics, chế biến, năng lượng. Một bộ phận người dân vẫn sống dựa vào nông nghiệp truyền thống, chưa thích nghi với kinh tế thị trường.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến đời sống và sản xuất tại Cà Mau. Tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông, ngập mặn, xâm nhập mặn, suy giảm tầng sinh quyển... diễn biến ngày càng phức tạp. Ô nhiễm môi trường ở một số khu vực vẫn chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng đến chất lượng sống và năng lực thu hút đầu tư.
Trong khi đó, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư còn chậm, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa cao, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.
![]() |
Đảo Hòn Khoai, Cà Mau |
Tận dụng thời cơ, thúc đẩy hội nhập
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động về địa chính trị, kinh tế và môi trường, Cà Mau cần tận dụng thời cơ của quá trình hợp nhất để tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế. Việc hình thành “một thể thống nhất” về quản trị, đầu tư và phân bổ nguồn lực là điều kiện quan trọng để tỉnh đề xuất với Trung ương các cơ chế đặc thù, nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, thu hút đầu tư lớn và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.
Năm 2025, GRDP toàn tỉnh phấn đấu đạt từ 8,5% trở lên. Trong đó, khu vực I (ngư, nông, lâm nghiệp) tăng 5,8%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 10%, khu vực III (dịch vụ) tăng 10,6%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tăng trưởng cả năm 8,55 trở lên, thì 6 tháng cuối năm, Cà Mau cần tăng trưởng từ 9,8%. Tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư chiến lược vào năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và logistics.
![]() |
Với bờ biển dài 310 km và vùng biển rộng hơn 120.000 km², Cà Mau sở hữu vị trí chiến lược để phát triển kinh tế biển toàn diện |
Nếu phát huy đúng hướng, Cà Mau không chỉ rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương trong vùng, mà còn khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế biển, nông nghiệp sạch và năng lượng xanh của cả nước trong thập niên tới.
Cà Mau sau hợp nhất có nhiều lợi thế để trở thành vùng động lực mới của khu vực phía Nam Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các tiềm năng đó, tỉnh cần có chiến lược phát triển bài bản, quyết liệt trong cải cách, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và huy động tối đa nguồn lực xã hội. Thành công của Cà Mau sẽ là minh chứng cho giá trị thực tiễn của việc sắp xếp đơn vị hành chính, không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn tạo đà phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. |