Blockchain và cơ hội cho Startup công nghệ tại Việt Nam

15:26 24/02/2022

Khi các hoạt động giao dịch, lưu trữ cơ sở dữ liệu, truyền tải data… được số hóa, một vấn đề cấp thiết được đặt ra là tính bảo mật, chống lại sự thay đổi của dữ liệu. Công nghệ Blockchain ra đời đã khắc phục những điểm yếu trên. Với những đặc tính như: Phân cấp, phân tán dữ liệu, tính duy nhất, giới hạn số lượng, phi tập trung, ẩn danh và hợp đồng thông minh đã loại bỏ hoàn toàn sự gián tiếp cũng như hệ thống văn phòng cồng kềnh. Blockchain có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội cho các startup tại Việt Nam.

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet.

Thị trường, cơ hội và hành lang pháp lý cho công nghệ Bockchain tại Việt Nam

Năm 2020 -2021 có thể được xem là một năm thảm hoạ với nhiều ngành kinh tế khác nhau, nhưng lại là năm bùng nổ của lĩnh vực Blockchain. Theo CB Insights, lượng tiền tài trợ cho lĩnh vực Blockchain tăng gấp 4 lần chỉ trong một năm, từ 3,1 tỷ USD trong cả năm 2020 lên thành 15 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu của năm 2021. 

Ảnh minh họa

Lượng tiền đầu tư đổ vào lĩnh vực Blockchain trên thế giới đã tăng vượt bậc trong năm 2021./ Nguồn: CB Insights.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain khá cao, nguyên nhân chủ yếu là xuất phát điểm của các quốc gia không có nhiều khác biệt.

Theo Chainalysis, Việt Nam đứng thứ 10 trong tổng số 154 quốc gia về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. Đây là một trong những chỉ số hiếm hoi mà Việt Nam có thứ hạng tương đồng các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nam Phi, thậm chí còn hơn nhiều quốc gia phát triển khác là Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc….

Theo ông Nguyễn Văn Khoa- Chủ tịch VINASA, thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận một số tên tuổi và có chỗ đứng nhất định trên “bản đồ” blockchain thế giới. Cụ thể, trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có 5-7 công ty do người Việt sáng lập... Khoảng 10 startup của người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD, riêng “kỳ lân” công nghệ Kyber Network của Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn nhỏ tại hơn 100 quốc gia trong chiến dịch gọi vốn. Tháng 10/2021 vừa qua, Sky Mavis, công ty phát triển tựa game blockchain đình đám Axie Infinity của CEO Nguyễn Thành Trung đã gọi vốn được 152 triệu USD…

Để có sự phát triển ngang tầm Thế giới như trên, Chính phủ ban hành Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năm 2018, Bộ KH&CN đã có Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, trong đó Blockchain được xếp thứ 2 sau trí tuệ nhân tạo (AI) trong loạt các sản phẩm của công nghệ chủ chốt. Bên cạch đó các vườn ươm khởi nghiệp tại các trường đại học lớn như Bách Khoa Hà Nội với BK-Holdings, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc trường Đại học Bách Khoa Tp HCM là những chiếc nôi hỗ trợ các startup trong lĩnh vực công nghệ về pháp lý, gọi vốn, không gian sáng tạo - làm việc …

Những thách thức đối với Startup công nghệ

Có thể coi blockchain là cuộc cách mạng tiếp theo của Internet. Chính vì tính đột phá như vậy, thách thức đầu tiên đặt ra chính là về mặt pháp lý chưa theo kịp. Hiện nay, hành lang pháp lý cho các hoạt động blockchain, ICO - (Initial Coin Offering) vẫn chưa rõ ràng tại nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, chưa có các pháp lý cho quản lý tài sản số trên hệ thống, nền tảng. Việc này đồng nghĩa với việc không thể thu được thuế từ các hoạt động ICO, cũng như không bảo vệ được nhà đầu tư sở hữu tài sản số. Hệ quả dẫn đến tất cả các dự án liên quan đến Blockchain đều lựa chọn đặt trụ sở tại các nước đã có nền tảng pháp lý rõ ràng hơn như Singapore, Malta.

Về hoạt động gọi vốn, hiện tại đã có những công ty, quỹ trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên cơ chế và các hình thức đầu tư chưa thực sự linh hoạt, cần nhanh chóng được ứng dụng, một bộ quy tắc liên quan đến hoạt động gọi vốn thông qua tiền mã hoá và các sản phẩm liên quan như sàn giao dịch là cần thiết để lĩnh vực này phát triển và hạn chế lừa đảo, rủi ro cho người tham gia đầu tư. Do vậy, cần nhanh chóng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) giúp thanh lọc thị trường tài chính, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật để bảo vệ tối đa lợi ích của người sử dụng, đặc biệt là những dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, blockchain đang từng ngày được khẳng định là tác nhân trọng yếu của nền kinh tế số, với những đặc tính: minh bạch, loại bỏ trung gian, bảo mật... giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao dịch...Cho thấy tiềm năng ứng dụng là vô cùng lớn trong mọi ngành nghề, lĩnh vực. Các Startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam đã và đang tận dụng những lợi thế của mình, phát huy sở trường để có chỗ đứng với thứ hạng cao trong bản đồ Blockchain Thế giới. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng hành của Chính phủ trong việc tạo ra cơ chế chính sách như một chất xúc tác làm nhanh hơn nữa, chiều sâu hơn nữa trong quá trình ứng dụng công nghê này vào công cuộc chuyển đổi số của Quốc gia.

Vĩnh Hoàng