Các sự kiện nổi bật bao gồm hội thi văn nghệ quần chúng, biểu diễn múa cồng chiêng, và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số tại địa phương. Ngoài ra, cuộc thi ẩm thực truyền thống cũng được tổ chức, nhằm giới thiệu và tôn vinh những món ăn đặc trưng của các dân tộc sinh sống trong khu vực.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, cho biết: "Đêm hội Bom Bo" với sự chuẩn bị chương trình nghệ thuật công phu, hoành tráng và sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cùng hàng trăm diễn viên, sẽ tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước của đồng bào dân tộc S’tiêng.
Cùng với đó, nhiều hoạt động thể thao, hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã diễn ra, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Các hoạt động này không chỉ là dịp để người dân Bù Đăng ôn lại truyền thống hào hùng, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị trên địa bàn, từ năm 1997 đến năm 2009, huyện Bù Đăng tăng thêm 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Bom Bo, Phước Sơn, Phú Sơn, Nghĩa Bình, Bình Minh và Đường 10. Tính đến năm 2023, huyện Bù Đăng có 16 đơn vị hành chính cấp xã (bao gồm 15 xã và 01 thị trấn) với dân số khoảng 146.000 người.
Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và khát vọng vươn lên, Bù Đăng hôm nay đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, bước đầu giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới. Diện mạo của của Bù Đăng có sự chuyển biến đáng kể, từng bước góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh cũng như tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Từ một huyện thuần nông, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm ưu thế trong nền kinh tế, diện tích và sản lượng còn thấp, sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền các cấp, cùng với sự chung tay góp sức của Nhân dân huyện nhà, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước phát triển khá rõ nét. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2020 tỷ trọng ngành Nông - Lâm -Thuỷ sản chiếm 44% cơ cấu nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/người/năm (tăng 13,5 lần so với năm 2005). Diện tích, sản lượng, năng suất cây trồng hàng năm tăng mạnh, đặc biệt là các loại cây chủ lực của ngành nông nghiệp như điều, cao su, cà phê). Toàn huyện đã có 24 tổ hợp tác, 20 hợp tác xã, 104 trang trại có quy mô lớn với diện tích 1.400ha, đây cũng là khu vực chuyên canh các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Những năm đầu sau khi tái lập tỉnh, huyện Bù Đăng gặp rất nhiều khó khăn, bình quân mỗi năm thu ngân sách chỉ đạt trên 1 tỉ đồng. Từ 2000-2005, tuy có sự tăng trưởng hàng năm về thu ngân sách, nhưng nhu cầu chi ngân sách cấp huyện vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách tỉnh. Giai đoạn 2005-2010, thu ngân sách bình quân hàng năm đạt khoảng 80 tỉ đồng/ 01 năm. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện được thành lập, cùng với việc mở rộng 2 chi nhánh ngân hàng Bom Bo và Đức Liễu đã từng bước đáp ứng nhu cầu gửi tiết kiệm cũng như vay vốn để phát triển kinh tế của Nhân dân. Giai đoạn 2010-2015, thu ngân sách bình quân tăng khoảng 3,5% mỗi năm, đạt khoảng 140 tỷ/năm. Giai đoạn 2015-2020, tổng thu ngân sách hàng năm đều tăng cao, bình quân tăng hơn 17%/ năm, riêng năm 2020 ngân sách huyện thu đạt hơn 250 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến 2024, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân đạt 18,85%, tổng chi ngân sách tăng 17%, chủ yếu ưu tiên chi đầu tư phát triển trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, Bù Đăng vẫn là huyện chưa chủ động được nguồn ngân sách mà vẫn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, nhất là các lĩnh vực đầu tư công xây dựng cơ bản, y tế, giáo dục và an sinh xã hội.
Theo kế hoạch, Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ 8 đến 10-11, tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. |