Bến Tre: Mục tiêu năm 2025 sẽ có 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao

20:41 20/09/2022

UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tỉnh chủ trương phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới của tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh đến cơ sở; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, có 30 sản phẩm đạt 5 sao (hoặc tiềm năng 5 sao); nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng. 

Sản phẩm chanh muối Hải Phượng (huyện Giồng Trôm) đạt chuẩn OCOP 4 sao - Ảnh: Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre
Sản phẩm chanh muối Hải Phượng (huyện Giồng Trôm) đạt chuẩn OCOP 4 sao - Ảnh: Chương trình OCOP tỉnh Bến Tre.

Ngoài ra, tỉnh ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã; có ít nhất 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương…

Cùng với đó, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế, chủ trang trại và hộ gia đình có đăng ký kinh doanh khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu; khuyến khích xây dựng các gói combo quà tặng, quà lưu niệm sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, Bến Tre nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình OCOP và chất lượng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở, hộ sản xuất.

Đặc biệt, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, nhất là các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Mặt khác, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa.

Hàng năm, tỉnh có trên 100 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, sử dụng các thông tin thị trường hoặc hưởng lợi từ các hoạt động do chương trình xúc tiến thương mại mang lại.

Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng và đa dạng thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng của tỉnh đã được đưa vào hệ thống siêu thị, phân phối, chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

 P.V