Bất cập về việc doanh nghiệp và người lao động đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống thiên tai

10:48 06/10/2021

Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai mới có hiệu lực từ ngày 15/9/2021, tuy nhiên đã có bất cập pháp lý cần sớm được sửa đổi bổ sung, nhằm thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid 19.

Quỹ Phòng, chống thiên tai là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ khẩn cấp nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Quỹ Phòng, chống thiên tai là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ khẩn cấp nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về việc doanh nghiệp đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống thiên tai (QPCTT): Theo khoản 7 điều 1 Luật phòng, chống thiên tai 2020 sửa đổi, bổ sung điều 10 Luật phòng, chống thiên tai 2013, việc đóng góp vào QPCTT tỉnh là nghĩa vụ bắt buộc của doanh nghiệp trên địa bàn. Theo khoản 1 điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, mức đóng góp bắt buộc vào QPCTT từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31 tháng 12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.

Điểm k khoản 1 điều 13 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được miễn đóng góp là “Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhà xưởng, thiết bị khi phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn (0,02%) tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 05 ngày liên tục trở lên có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp”. Không có quy định về đối tượng được miễn đóng góp là doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, như phải cách ly tập trung tại doanh nghiệp, tổ chức biện pháp ba tại chỗ trong phòng chống dịch....

Khoản 2 điều 13 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp là “Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ cấp tỉnh. Mức giảm đóng góp quỹ tương ứng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp do cơ quan Thuế công bố hàng năm”.

Mặc dù điều 17 Luật đầu tư 2020 quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, nhà đầu tư căn cứ đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật liên quan, để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư, nhưng để được là đối tượng được miễn đóng góp, giảm, tạm hoãn đóng góp, tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn vẫn phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện lập danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ. Việc này làm tăng thêm một thủ tục hành chính và tăng thêm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.

Về việc người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đóng góp bắt buộc vào QPCTT: Điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng góp bắt buộc vào QPCTT, mức đóng góp là một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Trường hợp, người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều doanh nghiệp thì chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất. Tuy nhiên, ngày làm việc theo tháng không là một con số cố định, ví dụ tháng 2 chỉ có 24 ngày làm việc, có tháng là 26 ngày làm việc hoặc có tháng là 27 ngày làm việc, mức đóng góp bắt buộc nếu thu từ người lao động tại các tháng khác nhau sẽ khác nhau.

Về cách thức đóng góp bắt buộc vào QPCTT cấp tỉnh: Khoản 1 điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP quy định: “1. Thủ trưởng tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp quỹ của các cá nhân do mình quản lý và nộp Quỹ cấp tỉnh theo định mức được quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 3 Điều 12 Nghị định này chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc tài khoản ở cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền”.

Theo quy định này, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ danh sách kế hoạch thu, nộp quỹ của người lao động làm việc tại doanh nghiệp mình và nộp QPCTT cấp tỉnh theo định mức vào tài khoản của Quỹ. Gần đây, một số công ty phản ánh đã nhận được công văn của QPCTT tỉnh về việc đóng góp bắt buộc vào QPCTT cấp tỉnh năm 2021, yêu cầu công ty đóng góp bắt buộc, bao gồm khoản đóng góp của công ty và khoản đóng góp của người lao động trong công ty mỗi người đóng góp 01 ngày lương theo mức lương tối thiểu vùng. Việc này làm tăng thêm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Hơn nữa, quan hệ của doanh nghiệp (người sử dụng lao động) với người lao động là quan hệ lao động, phải tuân thủ pháp luật lao động Việt Nam và hợp đồng lao động mà hai bên (doanh nghiệp và người lao động) đã giao kết. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Về nguyên tắc trả lương, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động, không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định. Việc doanh nghiệp kê khai và khấu trừ, đóng thay người lao động tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo Bộ luật lao động 2019, luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và hợp đồng lao động đã giao kết với người lao động. Điều 129 Bộ luật lao động 2019 quy định người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

Với dẫn chiếu quy định pháp luật trên đây, trường hợp trong hợp đồng lao động không có thỏa thuận cho doanh nghiệp được lập danh sách, khấu trừ từ tiền lương của người lao động để đóng góp bắt buộc vào QPCTT, mặc dù đã có quy định tại khoản 1 điều 15 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, nhưng doanh nghiệp tự động khấu trừ lương của người lao động để nộp tiền đóng góp bắt buộc của người lao động vào QPCTT, rất có thể bị người lao động phản ứng, phản đối, khiếu nại hoặc khiếu kiện về việc doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc trả lương, tự ý khấu trừ tiền đóng góp vào QPCTT khi chưa được người lao động đồng ý khấu trừ lương của họ.

Luật sư Bùi Văn ThànhTrưởng Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới