Bảo tháp Mandala Tây Thiên bản giao hòa linh khí đất trời trong tiết Vu lan tháng Bảy

22:25 17/08/2022

Dưới sự hướng đạo của Sư ni Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), những người con về dự lễ Vu lan cùng lắng lòng mình với bông hồng cài áo gợi muôn vàn cảm xúc của sự biết ơn và thành kính đối với cha mẹ, tổ tiên cùng cội nguồn đất nước, dân tộc.

Bảo tháp Mandala Tây Thiên bản giao hòa linh khí đất trời trong tiết Vu lan tháng Bảy
Bảo tháp Mandala Tây Thiên bản giao hòa linh khí đất trời trong tiết Vu lan tháng Bảy.

Ngay từ sớm nhiều đoàn Phật tử đã hành hương về Tây Thiên - vùng đất linh khí, cái nôi của Phật giáo Việt Nam cũng là quê hương của Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu (thuộc thời đại các vua Hùng). Nơi đây còn được hiểu, ví như miền tịnh độ của chư vị Dakini Không Hành Mẫu - những vị Phật mẫu trong văn hóa Phật giáo Kim Cương thừa.

Cùng lắng lòng mình với bông hồng cài áo
Đúng 8 giờ đàn lễ được khai mở bằng hồi trống Bát Nhã của Sư thầy trụ trì gióng lên âm vang trong lòng ngôi Bảo tháp thiêng, ngầm ý thỉnh mời chư Phật, Bồ tát thượng đường chứng minh (giáng lâm đàn tràng). Còn đối với người dự lễ tiếng trống Bát nhã là tiếng trống tỉnh thức nhắc nhớ sự tĩnh tâm, trở về với chánh niệm.
Một đoàn rước gồm 12 Phật tử trong lễ phục trang nghiêm thay vì đại chúng dâng Lục cúng (trầm, hoa, hương, đèn, thực phẩm, trà) lên Tam Bảo. Tất thảy cùng nương vào năng lượng nhiệm màu từ đàn pháp để sám hối mọi lỗi lầm, đồng thời gửi gắm lời nguyện cầu sức khỏe bình an cho cha mẹ ở hiện tại, thắp nén tâm hương nhớ về người đã khuất. Pháp hội dành 1 phút im lặng tưởng nhớ ơn đức đấng sinh thành. 

Đại chúng dự lễ với những bông hồng cài áo gợi muôn vàn cảm xúc của sự biết ơn và thành kính hướng về đấng sinh thành
Đại chúng dự lễ với những bông hồng cài áo gợi muôn vàn cảm xúc của sự biết ơn và thành kính hướng về đấng sinh thành.

Nghi thức bông hồng cài áo được cử hành trong âm nhạc với tham sự gia cúng dàng tiếng hát của nhóm ca sĩ phật tử Phạm Văn Trung (ca khúc Bông hồng cài áo, Hoa hồng trắng), ca sĩ Dương Minh (Lòng mẹ, Tình cha), ca sĩ Phạm Thùy Linh (Mẹ yêu).

Rất nhiều hoa hồng đỏ, hồng nhạt và bông hồng sắc trắng được cài lên ngực áo, thêm một lần nữa nhắc nhớ người làm con dù còn trẻ hay đã già về ân đức sinh thành của mẹ cha.

Thoảng trong niềm vui của người cài hoa hồng đỏ có nỗi niềm của hoa hồng nhạt (với ai đã mất cha hoặc mẹ) cùng sự ngậm ngùi đối với người đã mất cả hai đấng sinh thành. Hoa hồng trắng còn muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật tốt, ý nghĩa để người ra đi hương hồn được an nhiên, thanh thản không còn vướng bận chuyện trần gian.

Bảy vòng nhiễu tháp vi diệu
Đại lễ Vu Lan năm nay ở Bảo tháp Tây Thiên có phần đặc biệt hơn những mùa trước. Thêm vào các nghi lễ truyền thống: đọc tụng Kinh Vu Lan bồn, khóa lễ phóng sinh, cùng dàng đèn bơ; lần đầu tiên đại chúng cùng thực hành khóa lễ Mật thừa với pháp tu trì Lục Độ Phật Mẫu Tara (Đức Phật Quan Âm Tara) và đi nhiễu theo chiều kim đồng hồ 7 vòng (hoặc 13) quanh ngôi Bảo tháp giác ngộ. 

Sư thầy giảng: cách tốt nhất để đền đáp lòng từ bi của chúng sinh mẹ (cha mẹ ở hiện tại và trong các đời quá khứ) là giúp họ hiểu biết thực hành Phật pháp để diệt trừ khổ đau và nguyên nhân dẫn đến khổ đau; viên mãn tâm nguyện mong cầu hạnh phúc của họ cả trong hiện tại và tương lai.  

Phật tử trong lễ phục trang nghiêm dâng Lục cúng lên Tam Bảo
Phật tử trong lễ phục trang nghiêm dâng Lục cúng lên Tam Bảo.

Có nhiều cách học Phật, song bằng việc đi nhiễu 7 vòng ngôi Bảo tháp linh thiêng đồng thời đọc niệm câu chân ngôn đức Phật Quan Âm (Om Mani Padme Hung) là phương thức thực hành rốt ráo đơn giản nhưng lại hiệu quả, vi diệu vô cùng.

Mỗi vòng đi nhiễu từ 1 đến 6 đều có ý nghĩa tương ứng với 6 cõi giới (trời, Atula, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) giúp phổ đổ hết thảy chúng sinh đoạn trừ tham ái, si mê, sân hận để trở về với tự tính bản lai (Phật tính - sự thiện lành trong suốt). 

Đại chúng dành vòng nhiễu thứ 7 hướng lên Tam Bảo đem công đức thực hành chuyên cần trong một ngày hồi hướng nguyện cầu bình an, hạnh phúc và sự thành tựu cho chính bản thân mình. 

Dòng ngườiđi nhiễu theo chiều kim đồng hồ 7 vòng (hoặc 13) quanh ngôi Bảo tháp giác ngộ và cầu nguyện.
Dòng ngườiđi nhiễu theo chiều kim đồng hồ 7 vòng (hoặc 13) quanh ngôi Bảo tháp giác ngộ và cầu nguyện.

Đất trời Tây Thiên quyện trong mây bay gió núi, hương hoa thiên nhiên cùng sắc màu từ hàng nghìn lá cờ Phật giáo, cờ cầu nguyện Lungta (cờ ngũ sắc: xanh lục, xanh dương, vàng, đỏ, trắng) được treo phủ rộng toàn bộ ngôi Đại Bảo tháp, hồ hương thủy ra đến cổng trào…, những nơi đón gió. 

Ảnh minh họa
Lễ cúng dàng đèn bơ khai sáng trí tuệ

Mỗi khi gió thổi lungta bay lên thầm gởi gắm lời kinh, lời nguyện trải khắp không gian, hình ảnh của chư Phật, chư Bồ tát ban trải yêu thương phổ độ cho muôn vàn chúng sinh. Cờ nguyện Lungta có ý nghĩa hàn gắn mọi vết thương và chữa lành mọi bệnh tật (theo văn hóa Phật giáo Kim Cương thừa). 

Hàng nghìn lá cờ Phật giáo, cờ cầu nguyện Lungta gửi gắm bao ước nguyện nhân sinh
Hàng nghìn lá cờ Phật giáo, cờ cầu nguyện Lungta gửi gắm bao ước nguyện nhân sinh.

Chị Nguyễn Thanh từ Tp Hồ Chí Minh ra dự lễ chia sẻ: “Tôi và nhiều Phật tử tin tưởng, cảm nhận rằng với những năng lực gia trì vô cùng linh thiêng đó, với sự hội tụ của vô số các nhân duyên cát tường (xuất hiện cầu vồng ngay khi kết thúc khóa lễ chiều), tâm nguyện ngày Vu Lan của toàn thể đại chúng hôm nay đã được thành tựu viên mãn”…

Phổ Hiền