Công nghệ Goal-Line được ứng dụng để hỗ trợ vị vua áo đen đưa ra quyết định trong trận đấu.
Ảnh: Fraunhofer
Sự chính xác cần thiết
Điều dễ nhận thấy với các trận đấu bóng đá quốc tế nhiều năm qua là trọng tài chính cùng các giám biên đều đeo tai nghe để có thể trao đổi thuận tiện với nhau trong suốt trận đấu. Cũng chính vì thế mà với các trận đấu tại World Cup hay Euro, người ta thường bố trí các tổ trọng tài quốc gia để điều khiển trận đấu. Khi đó, với cùng một ngôn ngữ chung nên các trọng tài cũng tiện trao đổi hơn trong suốt cả trận đấu thay vì chỉ ra ký hiệu với nhau.
Còn với công nghệ goal line, việc này được thực hiện nhờ các camera ở vị trí cố định treo phía trên khung thành và camera bắt cố định ở khán đài, được chĩa vào khung thành. Hình ảnh từ các camera này được truyền về máy chủ của ban tổ chức để căn cứ vào đó xác định xem trái bóng đã thực sự lăn qua vạch vôi của khung thành hay chưa. Cần lưu ý rằng các camera này là của ban tổ chức chứ không phải là của truyền hình và hình ảnh từ đó sẽ được cung cấp cho truyền hình với những tình huống có thể còn gây tranh cãi. Đương nhiên, trọng tài sẽ phải công nhận kết quả của công nghệ goal line với các tình huống đó.
Còn với các tình huống phạm lỗi trên sân, trọng tài hoàn toàn có thể yêu cầu xem lại video từ nhiều góc độ khác nhau để đưa ra quyết định chính thức của mình. Trước khi công nghệ VAR được áp dụng thì trọng tài chính là ông vua trên sân cỏ và không ít trước hợp, các cầu thủ đã bị xử phạt oan ức. Tuy nhiên, kể từ khi ứng dụng công nghệ VAR thì không ít trọng tài lại không tin tưởng vào chính mình và yêu cầu xem lại tình huống qua video trước khi ra quyết định chính thức. Theo nhiều ý kiến, các trọng tài không nên quá lệ thuộc vào công nghệ và bất đắc dĩ lắm mới cần phải xem lại tình huống qua video.
Bóng đá Việt Nam có thể ứng dụng không?
Theo GS TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao, việc trang bị tai nghe cho các trọng tài bóng đá tại Việt Nam là hoàn toàn hiện thực vì giá thành không quá đắt và thực tế là đã được thực hiện với không ít trận đấu ở giải chuyên nghiệp V-League nhờ thiện chí của các chủ sân.
Tuy nhiên, với các công nghệ giám sát như goal line thì điều đó còn phải cân nhắc vì bóng đá Việt Nam chưa thực sự đẻ ra tiền để trang trải chi phí. Riêng với công nghệ VAR thì đó là vấn đề mà ban tổ chức và truyền hình phải có sự thống nhất với nhau. Truyền hình khi đó vừa là đối tác vừa là khách hàng của bóng đá và việc chia sẻ hình ảnh trực tiếp từ ít nhất 3 – 4 góc quay khác nhau cho ban tổ chức đương nhiên là cả vấn đề không đơn giản. Và cũng phải nói thêm là với bóng đá Việt Nam thì không phải trận nào truyền hình cũng đặt camera để ghi hình từ phía sau khung thành.
Ứng dụng công nghệ vào bóng đá là phương thức để giảm thiểu những trường hợp gây tranh cãi tại các giải bóng đá Việt Nam. Ảnh: TheThaoTP.HCM |
Cũng chính vì thực tế đó, GS TS Dương Nghiệp Chí cho rằng, trong tương lai gần thì bóng đá Việt Nam chưa thể ứng dụng ngay các công nghệ goal line và VAR. Tuy nhiên, với những giải bóng đá quốc tế (không kể các giải giao hữu) mà nếu Việt Nam là chủ nhà thì việc này tất yếu cần phải thành hiện thực theo các chuẩn mực quốc tế nếu như Liên đoàn Bóng đá châu Á hay Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á yêu cầu. Tất nhiên khi đó, chính các tổ chức này phải cung cấp thiết bị để thực hiện các công nghệ đó.