Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá hơn 7 tỉ USD ở Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp 3 lần sản lượng tại quốc gia Nam Á này, sau khi tăng tốc dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Apple hiện sản xuất gần 7% số iPhone của mình ở Ấn Độ thông qua việc mở rộng các đối tác từ Foxconn đến Pegatron, những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với trang Bloomberg. Đó là bước nhảy vọt đáng kể với Ấn Độ, vốn chỉ ước tính sản xuất khoảng 1% số iPhone trên thế giới vào năm 2021.
Apple đã phải vật lộn vào năm ngoái với tình trạng hỗn loạn tại khu phức hợp “Thành phố iPhone” chính của Foxconn ở Trịnh Châu, khiến chuỗi cung ứng của Apple bị giảm đáng kể và buộc hãng phải cắt giảm sản lượng. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra một loạt các ưu đãi để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong tổng sản lượng, Apple đã xuất khẩu 5 tỷ USD iPhone trong năm kết thúc vào tháng 3/2023, đây là mức cao gần gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Apple lên kế hoạch sản xuất những chiếc iPhone tiếp theo ở Ấn Độ cùng thời điểm với ở Trung Quốc vào khoảng quý III/2023. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên quá trình lắp ráp iPhone bắt đầu đồng thời ở hai quốc gia. Nếu việc mở rộng mạnh mẽ các nhà cung cấp, Apple có thể lắp ráp 1/4 tổng số iPhone của mình tại Ấn Độ vào năm 2025.
Apple đã nhận ra sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Họ đã vận động thành công các ưu đãi ở Ấn Độ và thúc đẩy các nhà cung cấp Foxconn, Wistron và Pegatron tăng cường hoạt động tại địa phương. Bộ ba nhà cung cấp này sử dụng khoảng 60.000 công nhân ở Ấn Độ, sản xuất các mẫu từ iPhone 11 cũ đến iPhone 14 mới nhất tại quốc gia này.
Điều đó đặt Apple vào trung tâm tham vọng của Ấn Độ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn và địa điểm thay thế cho Trung Quốc. Apple là một trong những công ty đòi hỏi khắt khe nhất thế giới khi nói đến sản xuất. Chuỗi sản xuất của Apple bao gồm hàng trăm công ty trên khắp thế giới và sử dụng hàng triệu lao động, phần lớn trong số đó đang ở Trung Quốc.
Việc dịch chuyển sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc đại diện cho một chiến thắng kinh tế với Ấn Độ, có thể tác động đến cách các thương hiệu Mỹ khác lập kế hoạch cho tương lai. Với Apple, Ấn Độ đại diện cho một nguồn tăng trưởng trong tương lai, vào thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau nhiều năm áp đặt các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.
Apple trước đó cho biết, tập đoàn đang chuẩn bị mở cửa hàng bán lẻ chính thức đầu tiên tại Ấn Độ. Trước đó vào năm 2020, Apple đã dự tính khai trương cửa hàng đầu tiên tại đất nước tỷ dân này nhưng lại bị trì hoãn do đại dịch. Hiện nay, Ấn Độ là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới với 700 triệu người dùng. Do đó, việc chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại đây đã thể hiện mong muốn mở rộng tệp khách hàng của hãng.
Apple Store đầu tiên sẽ xuất hiện tại Mumbai, rộng hơn 2.000 m2, đặt trong trung tâm mua sắm Jio World Drive cao cấp của Reliance Industries. Đây sẽ là một địa điểm bán lẻ có quy mô lớn, tương tự cửa hàng của Apple ở Los Angeles, New York, Bắc Kinh, Milan và Singapore.
Apple cũng đang xây dựng cửa hàng tại thủ đô New Delhi. Thời gian ra mắt dự kiến vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 6, thậm chí có thể chỉ vài ngày sau cửa hàng đầu tiên. Từ đầu năm nay, Apple đã tuyển dụng nhân sự cho các cơ sở này.
Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple, có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào nhà máy ở một bang miền nam Ấn Độ để sản xuất linh kiện điện thoại và có thể cả iPhone. Đại diện của Foxconn, Wistron và Pegatron không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Nằm trong nỗ lực chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc, mới đây hãng tin Nikkei đã đưa tin Apple Inc đang đàm phán với các nhà cung cấp để sản xuất máy tính MacBook ở Thái Lan.
Thu Trang (t/h)