VINASME gặp gỡ và trao đổi với Đại diện Quỹ Đầu Tư Walter Scott (Scotland)

00:00 12/10/2020

Chiều ngày 28/11, phái đoàn đại diện cho Quỹ Đầu Tư Walter Scott (Scotland) đã đến thăm và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nhằm trao đổi, tìm kiếm các thông tin trong hoạt động đàu tư vào ngành may mặc và da giày, túi xách tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ

Tham gia cuộc họp, về phía Vinasme có đại diện ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME. Về phía Quỹ Đầu tư Walter Scott (Scotland) có ông Des – Quản lý quỹ đầu tư và là thành viên của Ủy Ban Quản lý Đầu tư tại Quỹ Walter Scott và ông Alan – người phụ trách cho một số khoản đầu tư của Quỹ Walter Scott trong ngành may mặc.

Các thành viên Quỹ Đầu tư Walter Scott (Scotland) trong cuộc trao đổi với VINASME

Cuôc gặp gỡ và trao đổi nhằm tìm hiểu thêm về tình hình hoạt động chung; sự phát triển trọng tâm; những thay đổi có thể diễn ra trong những năm sắp tới của 2 ngành may mặc và da giày, túi xách tại Việt Nam. Quỹ Đầu tư Walter Scott cần tìm hiểu một số thông tin chung từ góc nhìn của các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội khác nhau. Đây sẽ là một cơ hội tốt cho các nhà đầu tư biết thêm thông tin về các hoạt động và thành tựu của hai ngành này tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư cho phù hợp

TS. Tô Hoài Nam đã giới thiệu, chia sẻ về hoạt động và kinh nghiệm của Vinasme:“ Vinasme hiện nay có 62.000 SMEs là hội viên, trong đó chiếm khoảng 9% là nằm trong 2 lĩnh vực may mặc và da giày, túi xách. Những doanh nghiệp này chủ yếu là gia công, một số doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài nhưng chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc.”

Ông Tô Hoài Nam (giữa) - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME trao đổi và giải đáp thắc mắc với phái đoàn Quỹ Đầu tư Walter Scott 

TS Tô Hoài Nam đã giải đáp các câu hỏi từ đại diện Quỹ Đầu tư Walter Scott ( Scotland) về tình hình hoạt động của 2 ngành may mặc và da giày, túi xách cũng như những cơ hội thách thức của 2 ngành này khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian sắp tới. 

Việt Nam  đang tăng trưởng nhanh, là điều kiện thuận để các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngày may mặc và da giày đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là mối quan hệ bất đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Lý do là trong chuỗi phân phối của Việt Nam trong ngành may mặc thì Việt Nam ở phần rất thấp trong chuỗi đó, dẫn đến tiền công thấp, từ đó tạo nên mâu thuẫn lớn.

Cũng theo ông Nam, VINASME  đang muốn tham gia một số thị trường có quy mô nhỏ. Hiện VINASME đang chọn một số nước Đông Âu thuộc Liên minh châu Âu (EU) để hợp tác. "Các sản phẩm của Việt Nam đều đáp ứng được các yêu cầu cao nhất. Chúng tôi muốn tìm kiếm thị trường mới vì muốn bán trực tiếp để có nhiều lợi thế. Cái khó nhất không phải là giá và chất lượng mà là xây dựng thương hiệu - yếu tố đảm bảo phát triển bền vững", ông Nam chia sẻ.

Bảo Trinh - Thu Giang