Thanh Hóa: Công ty Việt Hà kêu cứu vì món nợ trên trời rơi xuống

00:00 12/10/2020

Báo Pháp luật Việt Nam vừa nhận được thông tin phản ánh về vụ việc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Việt Hà (công ty Việt Hà) sau khi trả hết nợ lại có giấy thông báo phải trả một món nợ “từ trên trời rơi xuống” từ phía ngân hàng Liên Việt Postbank, chi nhánh Thanh Hóa.

Thanh Hóa: Công ty Việt Hà kêu cứu vì món nợ trên trời rơi xuống

Ngân hàng Liên việt Postbank chi nhánh Thanh Hóa

Cụ thể sự việc, quá bất ngờ sau khi nhận được thông báo từ phía ngân hàng Liên Việt Postbank, chi nhánh Thanh Hóa về khoản nợ mà Công ty Việt Hà đang nợ lên tới hơn 3 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Hà và bà Lê Thị Thương người đại diện theo pháp lý của Công ty Việt Hà đã làm đơn kêu oan đến ngân hàng và các cơ quan chức năng để xem xét do có nhiều khoản vay trong đó mà công ty không hề biết.

Trong thời gian hơn 1 năm (từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2020) Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Việt Hà liên tục gửi đơn tố giác ông Nguyễn Hữu Môn nguyên cán bộ tín dụng ngân hàng Liên Việt Postbank, chi nhánh Thanh Hóa lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 2 tỷ đồng (trong khoản vay nợ 3 tỷ) tới các cơ quan chức năng.

Ngày 28/5/2020, cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa ra thông báo số 2584/CSĐT (PC01) để giải quyết sự việc trên. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì trong cùng ngày cơ quan này đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác của công ty Việt Hà nữa. Nhận thấy việc ra quyết định của cơ quan CSĐT có phần vội vàng và không hợp lý, công ty Việt Hà đã khiếu nại lần thứ nhất.

Thanh Hóa: Công ty Việt Hà kêu cứu vì món nợ trên trời rơi xuống

Ảnh Quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa

Đến ngày 08/7/2020, công ty lại tiếp tục nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra – công an tỉnh Thanh Hóa với nội dung: “Giữ nguyên quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 2027/CSĐT”. Lập luận của cơ quan CSĐT cho rằng trong các chứng từ, hồ sơ giải ngân của ngân hàng Liên Việt Postbank, chi nhánh Thanh Hóa vào hai ngày 10/05/2012 và 11/05/2012 của công ty Việt Hà đến các tài khoản cá nhân khác có chữ ký dấu (chữ ký khắc sẵn) và con dấu pháp nhân của công ty đều đã được giám định và chứng thực là đúng.

Điều đáng nói là cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng: “các quy định trong luật kế toán năm 2015 quy định về chứng từ kế toán không được đóng dấu bằng chữ ký khắc sẵn, đây là các quy định hành chính trong thủ tục, nghiệp vụ kế toán đối với đơn vị kế toán (công ty Việt Hà), không vi phạm điều cấm trong luật nên vẫn có giá trị về mặt pháp lý trong thực hiện giao dịch dân sự”.

Trong quyết định cũng nêu ra rằng chữ ký dấu được dùng để đóng lên các chứng từ giải ngân cho các tài khoản khác và những lần giải ngân trước cho các tài khoản đó đều có “chữ ký tươi” của bà Lê Thị Thương, người đại diện pháp luật của công ty Việt Hà cho nên không có cơ sở để xác định là nhân viên ngân hàng tự ý thực hiện vì vậy không có khởi tố.

Với cách trả lời từ cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa như vậy liệu có thực sự thuyết phục người dân và doanh nghiệp hay không?

Thanh Hóa: Công ty Việt Hà kêu cứu vì món nợ trên trời rơi xuống

Hình ảnh Luật kế toán 2003

Cũng theo khoản 1 điều 20 luật kế toán 2003 về ký chứng từ kế toán cũng nêu rõ:

“Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng bút mực. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất”.

Ngay cả khi ban hành bổ sung và sửa đổi luật kế toán 2015 (tức là sau thời điểm diễn ra vụ việc) thì khoản 1 điều 19 của bộ luật cũng nêu rõ:

“Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Câu hỏi dư luận đặt ra là phải chăng công an tỉnh Thanh Hóa không biết những điều luật này của pháp luật hay vì một lý do tế nhị nào khác mà cơ quan này kết luận chữ ký dấu vẫn có giá trị pháp lý trong hồ sơ giải ngân ở ngân hàng?

Để tìm hiểu thông tin được khách quan đa chiều, phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam đã đặt lịch và liên hệ nhiều rất nhiều lần mới làm việc được với ngân hàng Liên Việt Postbank, chi nhánh Thanh Hóa. Tuy nhiên, đại diện phía ngân hàng lại không trả lời bất cứ những câu hỏi và dẫn chứng nào mà phóng viên cung cấp, phía ngân hàng còn đưa ra lý do là vụ việc đang được bên công an xác minh nên hiện tại không trả lời.

Thanh Hóa: Công ty Việt Hà kêu cứu vì món nợ trên trời rơi xuống

VKSND tỉnh Thanh Hóa thông báo tiếp tục phiên tòa theo kết luận của cơ quan CSĐT

Phóng viên chỉ nhận được duy nhất một câu trả lời từ người đại diện của hội Sở Ngân hàng Liên Việt Post Bank là phía ngân hàng chi nhánh Thanh Hóa có nói sử dụng chữ ký dấu là không hợp lệ trong giao dịch. Mặc dù biết vụ việc mà ngân hàng Liên Việt Postbank chi nhánh Thanh Hóa khởi kiện công ty Việt Hà đang nợ khoản vay thương mại có vấn đề và nhất là lại xuất phát từ phía chính ngân hàng, nhưng ngân hàng Liên Việt Postbank không có những biện pháp để yêu cầu tạm dừng việc khởi kiện để điều tra làm rõ mà lại lập luận hai vấn đề đó không liên quan tới nhau để tiếp tục khởi kiện.

Vậy có hay chăng phía ngân hàng đang không minh bạch, ép doanh nghiệp phải trả nợ khoản vay mà doanh nghiệp đang “có dấu hiệu bị lừa đảo” để phục vụ cho mục đích có lợi cho phía ngân hàng?

Phóng viên cũng đã đặt lịch làm việc với công an tỉnh Thanh Hóa nhưng người đại diện công an Tỉnh Thanh Hóa cũng từ chối không làm việc và phản hồi lại do vụ án đang cho điều tra tiếp.

Nếu thật sự vụ án này đang được cơ quan công an tiếp tục cho điều tra thì tại sao lại không thông báo cho người làm đơn tố cáo là ông Nguyễn Hữu Hà và Viện kiểm sát TAND tỉnh Thanh Hóa để tạm dừng phiên tòa xét xử và tiếp tục củng cố hồ sơ. Có hay không việc công an Thanh Hóa trả lời như vậy chỉ để đối phó với phóng viên? Thiết nghĩ các cơ quan ban ngành có liên quan cần vào cuộc một cách triệt để, khách quan nhất để sớm làm sáng tỏ sự việc trả lại uy tín danh dự cho ông Nguyễn Hữu Hà và công ty Việt Hà.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Hoàng Tùng