Startup tỷ đô chỉ cách tiền "đẻ" ra tiền từ khởi nghiệp sáng tạo

00:00 12/10/2020

Kamran Elahian, Chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm 350 triệu USD (Mỹ) đến Hà Nội chia sẻ, trong sáng tạo, thất bại cũng là bài học quý và sẽ ra tiền.

Từng là một cậu bé có phần "tăng động", thích sáng tạo, muốn tìm cách thay đổi thực tế, Kamran Elahian đã trở thành doanh nhân công nghệ sở hữu khối tài sản tỉ đô và nay là Chủ tịch một quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ. Câu chuyện từ kinh nghiệm thực của bản thân được ông chia sẻ trong phiên tọa đàm thuộc Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019 tổ chức sáng 29/8, cũng để trả lời cho câu hỏi của ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội: làm thế nào để Hà Nội xây dựng hệ sinh thái và trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước?.

Doanh nhân công nghệ cao Kamran Elahian (phải) tại Diễn đàn sáng 29/8. Ảnh: Cynthia Nguyễn.

Doanh nhân công nghệ cao Kamran Elahian (phải) tại Diễn đàn sáng 29/8. Ảnh: Cynthia Nguyễn.

Kamran Elahian kể, khi còn nhỏ ông luôn cảm thấy ở quê hương không đủ điều kiện để sáng tạo và thực hiện các ý tưởng. Quyết định rời Iran năm 18 tuổi, ông đã đến Mỹ, học tại Đại học Utah. Không thích cách học khuôn mẫu ở trường, ông được giáo viên chấp nhận thay vì đến lớp hàng ngày, có thể trả bài theo cách ông muốn và đúng hạn. Cách này giúp ông chỉ trong 4 năm đã có hai bằng cử nhân và thạc sĩ. Tốt nghiệp rồi đi làm, với hai lần bị sa thải nhưng đến năm 27 tuổi, ông trở thành đồng sáng lập CAE Systems. Trong vòng 3 năm, công ty này được mua lại bởi Tektronix với giá 75 triệu USD.

Ở tuổi 30, ông tiếp tục đồng sáng lập Cirrus Logic, công ty sản xuất chip hàng đầu có IPO trị giá 150 triệu USD trong vòng chưa đầy 5 năm. Doanh thu của công ty này đã tăng lên hơn 1 tỷ USD trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập và vốn hóa thị trường đạt hơn 3,5 tỷ USD. Cũng có tới 3 trong số các công ty ông từng đầu tư bị thất bại.

Từ kinh nghiệm của mình, Kamran Elahian cho rằng nếu muốn tạo môi trường cho khởi nghiệp thì việc đầu tiên là chấp nhận có thể sẽ thất bại.Theo ông, mỗi quốc gia cần có chính sách thu hút, tạo điều kiện để những người đi học ở nước ngoài có cơ hội trở về thể hiện sự sáng tạo với những kiến thức đã tích lũy, khi đó địa phương sẽ có một cộng đồng khởi nghiệp. Hiện nhiều trường đại học chỉ dạy kiến thức, chưa chuẩn bị sẵn sàng cho giới trẻ thử nghiệm những ý tưởng, vì vậy các vườn ươm có thể làm việc này.

"Nền kinh tế đổi mới sáng tạo cần chú trọng thí điểm, các ý tưởng nằm trong đầu không có giá trị nên cần được làm ở thực tế. Khi đó chỉ cần có quỹ đầu tư với vốn mồi vài nghìn đô la cho mỗi công ty khởi nghiệp. Trong môi trường sáng tạo, họ sẽ có cơ hội hiện thực hóa ý tưởng. Nếu có thất bại cũng là cơ hội để nâng cao năng lực, rồi một vài năm sau chính công ty đó phát triển và tạo việc làm cho nhiều người", Kamran Elahian nói. Cũng quan điểm này, ông trở thành nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu với vai trò Chủ tịch kiêm người sáng lập quỹ Global Catalyst Partners (Mỹ) với số vốn 350 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước.Thành phố hiện có 18 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh với 4 quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và 6 quỹ đầu tư quốc tế đặt văn phòng tại Hà Nội.

Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hà Nội cam kết sẽ lắng nghe các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và tạo ra một môi trường hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư, các startup đến từ các quốc gia trên thế giới.

P.V