Sập bẫy vay tiền bằng app trên mạng khiến nạn nhân điêu đứng

00:00 12/10/2020

Không chỉ lãi suất 1.600%/1 năm, gấp rất nhiều lần lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự, các app còn khiến người vay điêu đứng bởi trùng điệp bẫy lừa

Không chỉ lãi suất 1.600%/1 năm, gấp rất nhiều lần lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự, các app còn khiến người vay điêu đứng bởi trùng điệp bẫy lừa

Tài chính - Ngân hàng - Sập bẫy vay tiền bằng app trên mạng khiến nạn nhân điêu đứng

Ảnh minh họa.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi suất cao bất hợp pháp đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội. Hệ lụy của vấn nạn này là vô cùng lớn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành trên cả nước đã vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ việc liên quan đến "tín dụng đen". Đặc biệt là hình thức "tín dụng đen" qua mạng. Thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm như sau:

Niu Li Li (Quốc tịch Trung Quốc, chưa rõ thông tin cụ thể) và Jiang Miao (SN 1981) Quốc tịch Trung Quốc; tạm trú phường Bình Trị Đông B, quận Tân Bình, TP. HCM làm chủ và thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật công ty Vinfin và công ty Beta.

Từ tháng 4/2019, Niu Li Li và Jiang Miao tạo ra các ứng dụng trên điện thoại di động (app) để cho vay tiền mang tên "Vaytocdo", "Moreloan", "VD online".

Khi khách có nhu cầu vay tiền, ứng dụng sẽ yêu cầu người vay tiền tạo tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân... Đặc biệt là, ứng dụng sẽ được quyền truy cập vào danh bạ trên máy điện thoại di động của người vay.

Sau khi xác minh thêm thông tin các app này sẽ tiến hành cho vay. Cụ thể:

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Vaytocdo" thì người vay lần đầu chỉ được duyệt vay số tiền là 1,7 triệu đồng; đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online" thì người vay lần đầu được duyệt số tiền là 1,5 triệu.

Với hình thức xét duyệt nhanh, không cần nhiều chỉ tiêu như vậy các app này đã khiến nhiều người dân tìm kiếm để vay tiền. Theo thống kê của công an nhiều tỉnh thành, tổng số lượt người vay tiền từ khi hoạt động (tháng 4/2019) cho đến khi bị phát hiện đã có khoảng trên 60.000 giao dịch vay tiền (người vay thấp nhất là 1.700.000 đồng, người vay cao nhất là 2.750.000 đồng), tổng số tiền các đối tượng cho vay khoảng 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi đã vào bẫy vay tiền bằng app này, người vay mới tá hỏa nếu xác định được lãi suất mà mình phải chịu. Theo đó, hình thức cho vay với lãi suất nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4% /1 ngày, tương đương 1.600%/1 năm, vượt rất nhiều lần lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Chưa hết, người vay còn điêu đứng bởi trùng điệp bẫy lừa ở các app cho vay này. "Vaytocdo" cho người vay 1,7 triệu đồng, nhưng thực tế khách chỉ nhận được số tiền 1,4 triệu đồng, còn 300.000 đồng là tiền phí dịch vụ được thu theo quy định của công ty Vinfin. Trong vòng 8 ngày, người vay phải trả hơn 2 triệu đồng (trong đó gồm 1,7 triệu đồng tiền gốc và 340.000 đồng tiền lãi của 8 ngày). Nếu khách hàng vay tiền trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/1 ngày.

"Moreloan" và "VD online" thì người vay lần đầu được duyệt số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế khách hàng chỉ nhận được 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày thì người vay phải trả tiền gốc vay là 1.5 triệu đồng. Nếu khách vay tiền trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 - 5%.

Chưa hết, khi đến gần thời hạn trả nợ, thì nhân viên bộ phận thu hồi nợ của công ty Vinfin sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ, các đối tượng sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (do ứng dụng cho vay được truy xuất vào danh bạ người vay).

Các đối tượng gọi điện này đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người này phải báo cho người vay chuyển trả tiền nợ cho công ty Vinfin. Vì tâm lý sợ xấu hổ nên người vay tiền phải chuyển tiền trả nợ cho chúng.

Trong tổng số trên 60.000 giao dịch vay tiền với khoảng 100 tỷ đồng trên, cơ quan có thẩm quyền đã trích xuất dữ liệu trong tài khoản cho vay trên mạng tìm được lai lịch của khoảng 6.000 người vay tiền đã tất toán trả nợ xong cho công ty Vinfin.

Cơ quan chức năng cũng cho rằng, "tín dụng đen" giúp nhiều người, nhất là người nghèo, người không có tài sản thế chấp hoặc có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nhưng không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, có thể giải quyết được khó khăn trước mắt về tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, những hậu quả mà người vay phải gánh chịu thật khôn lường.

Hệ lụy phát sinh từ "tín dụng đen "đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm khác như: Bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản...

Rất nhiều người vay "tín dụng đen" đã lâm vào cảnh nợ mất khả năng chi trả. Khi không thể trả được lãi và gốc khoản vay, nhiều người đã bị đòi nợ, xiết nợ, đánh đập, khủng bố theo kiểu "xã hội đen" đến mức phải bỏ trốn khỏi địa phương.

Theo Công an tỉnh Quảng Nam, trước tình trạng trên, đơn vị này khuyến cáo người dân cần nắm rõ về những hệ quả của "tín dụng đen", nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn, thủ đoạn liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; không nên vay tiền với lãi suất cao, không nên tin vào những nội dung quảng cáo qua tin nhắn điện thoại, tờ quảng cáo, tờ rơi ngoài đường. Khi đã lỡ vay tiền với lãi suất cao nên trình báo cụ thể (số điện thoại, đối tượng cho vay, phương thức, thủ đoạn vay...) với công an xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn biện pháp giải quyết. Khi có nhu cầu vay tiền thì nên liên hệ các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để được hỗ trợ.

Nhâm Thân