Phát triển khoa học - công nghệ: Phù hợp thực tế

00:00 12/10/2020

Thời gian qua, nhiều chuyển biến, cải tiến tích cực trong công tác quản lý khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được ghi nhận. Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất.

Triển khai Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã khẩn trương tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN của Bộ.

Khoa học – công nghệ đóng vai trò quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương

Để triển khai các hoạt động theo đúng định hướng, Bộ Công Thương đã ban hành Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong đó nhấn mạnh, KH&CN là động lực then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương. Các hoạt động KH&CN phải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, chiến lược đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, gồm: Hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin KH&CN; nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công Thương như cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nhẹ, công nghệ sinh học và công nghiệp môi trường…; đẩy mạnh hoạt động thông tin, thống kê KH&CN, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và sở hữu trí tuệ.Để triển khai các hoạt động theo đúng định hướng, Bộ Công Thương đã ban hành Chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, trong đó nhấn mạnh, KH&CN là động lực then chốt để phát triển bền vững ngành Công Thương. Các hoạt động KH&CN phải đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chiến lược cũng đề ra các nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; trong đó có giải pháp về tăng cường liên kết, phối hợp giữa các tổ chức KH&CN như viện, trường, doanh nghiệp trong việc đề xuất đặt hàng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, tiết kiệm tiêu hao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.

Trên cơ sở chiến lược KH&CN của ngành, Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược gắn liền với chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị trong giai đoạn 2011-2020. Nội dung của chiến lược đã được các đơn vị, tổ chức cụ thể hóa trong nhiệm vụ KH&CN hàng năm. Từ năm 2015 trở lại đây, các nội dung của chiến lược là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu cho việc xem xét đặt hàng, tuyển chọn, xét chọn các nhiệm vụ KH&CN.

Trong công tác tổ chức xây dựng, đặt hàng nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, Bộ Công Thương đã tiến hành theo đúng quy định hiện hành, nhằm đảm bảo sự phát triển tổng thể trong mọi lĩnh vực; chú trọng đến các lĩnh vực ưu tiên, mũi nhọn và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan như Bộ: KH&CN, Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường...

Giai đoạn 2011 - 2019, Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai 9 chương trình/đề án KH&CN cấp quốc gia, 2 chương trình KH&CN trọng điểm cấp bộ; đẩy mạnh thực hiện Đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương và chương trình phối hợp về KH&CN giữa Bộ Công Thương và Bộ KH&CN. Đáng chú ý, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh của đời sống, hoạt động KH&CN của ngành đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện.

Theo đó, các nhiệm vụ tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Đặc biệt, ưu tiên những nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, nhằm giải quyết vấn đề cấp thiết, trọng điểm của thực tiễn.

Với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN, ứng dụng, đổi mới sáng tạo để tiếp tục có bước phát triển mới, tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Quỳnh Nga