Nhà đầu tư bất động sản nên làm gì trong bối cảnh dịch Covid-19?

00:00 12/10/2020

Nhà đầu tư bất động sản nên cắt lỗ, giữ tiền mặt, vẫn “ôm hàng” hay tiếp tục đầu tư… là câu hỏi mà nhiều khách hàng mua - bán bất động sản đặt ra trong bối cảnh dịch virus Covid-19 xảy ra từ đầu năm đến nay và chưa rõ hồi kết.

Theo đánh giá của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay chưa có một dự án bất động sản nào mở bán do các dự án còn căn hộ mở bán từ giai đoạn trước cũng không có giao dịch, cộng thêm dịch Covid-19 nên nhiều chủ đầu tư cũng không thể đẩy nhanh tốc độ của dự án.

Khó khăn bủa vây

Nhiều chủ đầu tư đã phải hoãn kế hoạch ra hàng. Khách hàng cũng lo sợ dịch bệnh nên ít quan tâm mua bán bất động sản. Thị trường vốn đã ít các sản phẩm mới từ giai đoạn trước do những vướng mắc về cơ chế chính sách lại càng khó khăn ở hiện tại.

Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thị trường bất động sản tại các địa phương khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng án binh bất động. Các sản phẩm đầu tư trước đây vốn rất nóng như đất nền đều đã hạ nhiệt. Giao dịch bất động sản ảm đạm do thiếu vắng nhà đầu tư.

Trước đó, tại nhiều cuộc hội thảo về xu hướng bất động sản, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo năm 2020 là năm rất khó khăn của thị trường bất động sản khi hàng loạt chính sách đang thắt lại đối với ngành này. Nay cộng thêm dịch Covid-19 khiến tất cả thị trường ngừng trệ, hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị “chôn vùi” ở những dự án dở dang chưa bán được.

Chị Nguyễn Thu Nga, chủ một sàn giao dịch bất động sản lớn trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị và nhiều khách hàng đứng ngồi không yên khi rất nhiều sản phẩm đang đầu tư không thể “thoát” được.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư băn khoăn gửi đến chị là nên cắt lỗ, giữ tiền mặt hay tiếp tục giữ hàng chờ đợi thị trường ấm lên? Theo chị, khó có thể đưa ra lời khuyên trong giai đoạn này, mà tuỳ thuộc vào tình hình tài chính của nhà đầu tư, cũng như phụ thuộc vào vị trí dự án hiện tại có tiềm năng hay không.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, kinh tế khó khăn là tình hình chung trên toàn cầu liên quan đến dịch Covid-19. Các ngành nghề khác đều khó khăn, từ sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, ngân hàng đều “ì ạch”, tất yếu dòng tiền không thể chuyển vào bất động sản được.

Tuy nhiên, ông Đính vẫn cho rằng, đất nền các tỉnh và ven đô vẫn là “vua”, tiền mặt giữ chỉ để an toàn trong thời điểm nhất định, còn chung cư là sản phẩm khó có lãi nhất, vì đa phần khách hàng hiện nay có nhu cầu thật, mua để ở.

Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh thêm: việc đầu tư vào đất nền phải là đầu tư dài hạn. Không có chuyện thị trường sốt nóng hay tăng giá mạnh trong thời gian tới.

17-3-Dat-nen-4442-1584415078.jpg

Nếu nguồn tiền không phải đi vay để đầu tư thì nhà đầu tư yên tâm không bán tháo (Ảnh: MT)

Chú ý dòng tiền

Phân tích về thị trường bất động sản trong thời điểm này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, giá của căn hộ vẫn đang tăng, nhưng chỉ ở những khu vực gần trung tâm, khi hạ tầng xã hội và giao thông đã đầy đủ như Mỹ Đình (Hà Nội), vì nhiều người có nhu cầu mua để ở và cho thuê. Tuy nhiên, cũng có những khu vực xa trung tâm, mức giá đã được thiết lập thì khả năng tăng giá không cao.

Đối với phân khúc căn hộ cao cấp mua để sử dụng, khách hàng không quan tâm đến chuyện tăng giá trong tương lai. Nếu khách hàng mua đầu tư thì tỷ suất cho thuê không cao, điều đó cũng ảnh hưởng đến khả năng tăng giá của khu vực này.

Còn về phân khúc đất nền, ngoài đất nền các tỉnh đang phát triển, thì đất nền ven đô như huyện Đan Phượng, Đông Anh, Hoài Đức (Hà Nội) sắp tới có thể chiếm tới 57% nguồn cung tương lai bởi có các dự án quy mô lớn.

Hơn nữa, theo lộ trình từ năm 2020 - 2025, các huyện này được xem xét xây dựng trở thành quận, có những tiêu chí đang cần phải thực hiện như tiêu chí dân số, diện tích, cấu trúc kinh tế, phát triển hạ tầng… Do đó, các huyện này cần thời gian để có hoàn thiện được.

“Hiện nay, quỹ đất các khu vực này cũng dồi dào, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn đầu phát triển, có nhiều tiềm năng đang chờ khai thác”, bà Hằng nhấn mạnh.

Trước diễn biến thị trường bất động sản thời gian gần đây, một số chuyên gia cũng cho rằng, nhà đầu tư không phải là hết cơ hội. Các nhà đầu tư đã và đang nắm giữ nhiều bất động sản cần cơ cấu lại danh mục xem bất động sản nào nên giữ, nên bán hoặc nếu sản phẩm đó kinh doanh được thì phải dựa trên mục tiêu, mong muốn và đặc biệt là nguồn tiền của các nhà đầu tư.

Đối với chung cư phân khúc trung bình ở gần khu vực trung tâm, nhà đầu tư không nên lo lắng quá, vì đây là phân khúc sẽ thiếu trong thời gian dài. Với phân khúc cao cấp thì nên bán, thậm chí có thể cắt lỗ để giữ tiền.

Còn đầu tư đất nền ven đô hay các tỉnh, tuỳ thuộc vào khu vực để giữ. Chẳng hạn như ở Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, nhà đầu tư không nên quá lo lắng vì khu vực này sẽ phát triển trong tương lai khi Hà Nội mở rộng đô thị hơn nữa. Với đất nền các tỉnh, nếu khu vực đó trong quy hoạch phát triển của địa phương thì nhà đầu tư không nên bán tháo mà cần bình tĩnh chờ đợi.

Điều quan trọng, các chuyên gia cho rằng, đó là nguồn tiền không phải đi vay ngân hàng, không lo lắng về khả năng trả nợ trong ngắn hạn từ 3 - 5 năm tới thì có thể giữ bất động sản, nếu không thì nhà đầu tư có thể bán, thậm chí là chấp nhận cắt lỗ để thu tiền về.

Hải Sơn