Người “chắp cánh” sản phẩm may mặc xuất ngoại

00:00 12/10/2020

Cho đến thời điểm này, Công ty Cổ phần may Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) đi vào hoạt động chưa tròn năm nhưng đã đạt được một số thành tựu nhất định, xuất khẩu vào thị trường quốc tế những sản phẩm chất lượng. Người chèo lái và xây dựng nên thương hiệu may Ba Vàng, đưa sản phẩm may mặc Việt có mặt tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… những thị trường khó tính là nữ doanh nhân Hoàng Thị Tuyết.

Doanh nhân Hoàng Thị Tuyết 

Khi được hỏi về cơ duyên trở thành Chủ tịch Hội động quản trị Công ty Cổ phần may Ba Vàng, doanh nhân Hoàng Thị Tuyết bộc bạch: Tôi từng có thời gian làm việc tại một thương hiệu lớn là Công ty May 10 nên cùng với sự đam mê những thớ vải, tôi muốn được thử sức mình với những sản phẩm may mặc đủ chất lượng vươn ra ngoài biên giới, khi ngành nghề này đang được hưởng nhiều ưu đãi.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp định CPTPP sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng cũng như thay đổi cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, khi dòng thuế suất bằng 0% đã giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia… Kỳ vọng, dệt may Việt Nam sẽ khắc phục được những khó khăn phụ thuộc về nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ, nhằm hoàn thành kế hoạch kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đặt ra là 50 tỷ USD vào năm 2025.

Là một doanh nghiệp trẻ, sản xuất dựa trên lực lượng lao động chủ yếu là nữ, vận hành theo quy trình dần hiện đại, Công ty Cổ phần may Ba Vàng hiện thu hút gần 100 lao động nhưng vẫn đứng trước nhiều thử thách. Để tìm lời giải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân Hoàng Thị Tuyết cùng các cộng sự không ngừng đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các đơn hàng định kỳ cũng như mở rộng tìm kiếm đầu ra mới cho sản phẩm. Hàng tháng, sản phẩm xuất xưởng đều đặn sau quá trình kiểm tra chặt chẽ, tạo nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp và nhân công; đời sống công nhân viên được đảm bảo; các kế hoạch sản xuất mới vẫn được hình thành, trở thành động lực lớn đối với cả người điều hành và người thực thi sản xuất…

Công ty Cổ phần may Ba Vàng hiện thu hút gần 100 lao động nhưng vẫn đứng trước nhiều thử thách...

Với phụ nữ, thương trường vừa là thách thức nhưng cũng tạo cho họ những động lực không ngờ. Ban điều hành công ty không ngần ngại tiếp nhận những lao động tàn tật nếu sắp xếp được cho họ những công việc phù hợp, tạo điều kiện để những người trong độ tuổi lao động cùng có cơ hội lao động, cống hiến và giảm bớt gánh nặng trực tiếp cho xã hội.

Khi hiệp định CPTPP được ký kết, đặc thù ngành dệt may và da giày Việt ngày càng tìm lại được ưu thế cần có, tuy vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này càng cần thêm vốn, nguồn nhân lực có tay nghề và công nghệ ứng dụng phù hợp nhằm mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Những vấn đề đó không quá mới nhưng chưa bao giờ được giải quyết triệt để ở thị trường Việt Nam. Công ty may Ba Vàng do chị Tuyết điều hành cũng không tránh khỏi guồng quay ấy.

Khát vốn là một trong những nhu cầu thường trực ở doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nhân Hoàng Thị Tuyết vẫn luôn trăn trở mong muốn tiếp cận được nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Chính phủ. Người chèo lái doanh nghiệp non trẻ mong muốn: “Có điều kiện mở mang diện tích nhà xưởng gấp 5, gấp 10 hiện tại nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của khách hàng tại Mỹ và các thị trường tương đương”.

Là một phụ nữ tự tin, táo bạo và đầy nhiệt huyết, với mong muốn tạo ra giá trị vật chất cho xã hội, tạo nên những giá trị riêng của bản thân, chúng tôi tin doanh nhân Hoàng Thị Tuyết sẽ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh, huy động mọi nguồn lực mở rộng sản xuất kinh doanh, để Công ty Cổ phần may Ba Vàng luôn giữ được vị thế tại một trong những thị trường lớn nhất, khó tính nhất của xuất khẩu Việt Nam, đem về hình ảnh và nguồn lợi tốt cho nền công nghiệp may mặc nước nhà.

Nguyễn Lương – Ngọc Quyết