'Ngáo' giá, startup tự tay hủy bỏ giấc mơ

00:00 12/10/2020

Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng định giá doanh nghiệp lại là một câu chuyện khác. Ở đó, nếu định giá sai, hoặc không biết định giá startup, đồng nghĩa với việc các nhà sáng lập đang tự tay mình hủy bỏ giấc mơ.

Năm 2014, Facebook trả 19 tỉ USD để mua lại WhatsApp. Không ít người đặtdấu hỏi, tại sao Facebook có thể trả mức giá cao đến vậy cho một công ty 5 năm tuổi và 50 nhân viên.

Năm 2016, Uber thua lỗ gần 3 tỉ USD, nhưng vẫn được định giá 68 tỉ USD. Trước đó, Uber gần như không tạo ra lợi nhuận gì. Phải chăng hơn các nhà đầu tư tên tuổi đã thừa tiền để bỏ vào Uber mà không màng tới lợi nhuận.

Uber không phải là công ty duy nhất được định giá tỉ USD. Câu lạc bộ kỳ lân toàn cầu là những startup công nghệ chưa IPO mà có mức định giá trên 1 tỉ USD, gồm: Didi Chuxing (50 tỉ USD), Xiaomi (46 tỉ USD), Airbnb (29,3 tỉ USD),...

Những con số định giá rất cao này được xác định như thế nào? Giới đầu tư mạo hiểm có dùng các phương pháp định giá như vẫn hay dùng cho các công ty niêm yết?

'Ngáo' giá, startup tự tay hủy bỏ giấc mơ
Định giá sai, startup tự tay hủy bỏ giấc mơ

Theo Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, thông thường các nhà đầu tư chắc chắn sẽ luôn nhìn vào tương lai của một startup và tin tưởng trong những năm tới sẽ có lợi ích gấp 5-10 lần, thậm chí là vài trăm, vài nghìn lần.

Nhưng nếu chỉ nhìn vào tương lai, theo Shark Bình là chưa đủ. Ông cho rằng, tương lai mới chỉ là điều kiện cần,bởi tương lai có thể được tô vẽ hoành tráng nhưng hiện tại cho thấy startupchưa đủ năng lực sẽ khiến nhà đầu tư cảm thấy bất an, nghi ngờ, thậm chí là cân nhắc hủy bỏ cả khoản đầu tư.

Shark Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tương lai hay hiện tại tốt thôi vẫn chưa đủ, nhà đầu tư còn rất quan tâm đến yếu tố quá khứ, liệu người sáng lập đã thực sự đầy đủ năng lực quản trị, hay trước đây họ có lừa đảo nhà đầu tư.

Chủ tịch NextTech tin tưởng, chỉ có liên hệ các yếu tố quá khứ, hiện tại, tương lai, cũng như năng lực của nhà sáng lập, thì nhà đầu tư mới đưa ra được công thức định giá đúng.

'Ngáo' giá, startup tự tay hủy bỏ giấc mơ
Shark Nguyễn Hòa Bình

Đồng quan điểm, shark Dzung Nguyễn - Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan tin rằng, việc định giá phải nhìn vào khả năng thành công của dự án thông qua việc đánh giá người sáng lập.

Điều này cũng tương tự câu chuyện tuyển dụng, dù chưa đánh giá hết được năng lực ứng viên, nhưng chỉ cần người đó đã từng làm trong các doanh nghiệp lớn và thành công thì đã tạo được một niềm tin lớn cho người tuyển dụng. Do đó các startup cũng cần lưu ý định giá con người, vào đội ngũ sáng lập, đặc biệt là CEO.

Ông Dũng lấy ví dụ, CEO của Line (Nhật Bản) ngày đầu tiên đưa ra ý tưởng khởi nghiệp đã được đầu tư tới 10 triệu USD. Các nhà đầu tư rót tiền vì nghĩ rằng ông ấy làm được. Như vậy, họ đang đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp nhờ uy tín của người làm ra nó.

Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp khởi nghiệp, CEO Base.vn – ông Phạm Kim Hùng cho rằng: "Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng định giá startup là một câu chuyện khác. Bản chất của việc này giống như chúng ta phải đánh cược, vì không có cơ sở gì để đưa ra một con số tuyệt đối. Cũng vì thế, công thức định giá là một thứ quan trọng mà một nhà sáng lập phải biết và phải hiểu".

Trong đó, hiểu công thức định giá chính là hiểu cuộc chơi khởi nghiệp và tôn trọng người chơi với mình là các nhà đầu tư. CEO Base.vn khẳng định, tối thiểu một nhà sáng lập luôn phải đặt mình trong một hoặc nhiều công thức định giá khách quan, vì định giá theo các "ý tưởng và ước mơ thay đổi thế giới" là một thứ vô cùng viển vông.

"Khi startup đủ lớn, thì càng ở các vòng gọi vốn sau, càng không có thứ gọi là định giá ước mơ. Mọi thứ phải dựa vào con số và con số mà thôi", ông Phạm Kim Hùng chia sẻ.

Đông Sơn