Nâng cao nhận thức về hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng

00:00 12/10/2020

Cục Sở hữu trí tuệ – Văn phòng đại diện tại TP. HCM và Công ty Vina CHG vừa phối hợp tổ chức Diễn đàn “ Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”. Đây là hoạt động hưởng ứng ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam (29/11).

 

Tham dự Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục quản lý thị trường, Cục công tác phía Nam (Bộ Công thương), Cục quản lý thị trường, Sở khoa học & công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố và các tổ chức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng…

Tại diễn đàn, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Vấn đề được mọi người quan tâm và nhận được nhiều ý kiến thảo luận là thực trạng vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc đang tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Nói cách khác là người tiêu dùng như rơi vào mê hồn trận khi hàng giả, hàng thật lẫn lộn.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2017 và năm 2018 trên toàn quốc, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa giả về chất lượng, công dụng 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa.

Nhiều câu hỏi và giải pháp về vấn nạn này đã được nêu ra và thảo luận sôi nổi tại diễn đàn nhằm lựa chọn những phương thức tối ưu để bảo vệ uy tín thương hiệu của doanh nghiệp cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, tại các khu vực kinh doanh tập trung, lực lượng Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, như tổ chức ký cam kết, hướng dẫn trực tiếp để doanh nghiệp nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Còn Tổng cục Hải quan sẽ xử lý các hành vi gian lận thương mại như làm giả hồ sơ, giấy tờ… Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì công cụ hữu hiệu nhất trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa buôn lậu và gia lận thương mại chính là ngăn chặn hàng nhập trái phép vào Việt Nam

Tường Vy