Lê Văn Tám: Cựu tuyển thủ mưu sinh qua ngày nhờ... bán phở

00:00 12/10/2020

Từng một thời tung hoàng ngang dọc của bóng đá Tiền Giang sau đó là Cảng Sài Gòn, cựu tuyển thủ Lê Văn Tám giờ đây phải mưu sinh qua ngày nhờ bán phở.

Lên tuyển ở tuổi gần 30

Bóng đá Việt Nam chứng kiến có rất nhiều trường hợp phát tiết chậm, xấp xỉ 30 tuổi hoặc hơn thế mới được gọi vào đội tuyển Việt Nam. Vũ Công Tuyền hay Huỳnh Hồng Sơn là những ví dụ điển hình. Nhưng trước đó một cầu thủ đàn anh cũng lên tuyển khi cận kề tuổi băm. Đó chính là Lê Văn Tám, tiền đạo nổi bật của bóng đá Tiền Giang những năm 80, 90 thế kỷ trước.

Nhà ở cạnh sân bóng đá xã Tân Lý Tây, thời cuối những năm 1970, Lê Văn Tám (sinh năm 1964) không ngày nào vắng trên sân bóng. Có những lúc chỉ được chơi bóng ở một góc sân với Tám cũng đã thỏa thích đam mê rồi. Lúc đó làm gì có những lớp bóng đá năng khiếu hay bóng đá cộng đồng như ngày nay nên được chơi bóng ở một góc sân nhìn đàn anh thể hiện cũng đã đập vào mắt cậu bé Tám biết bao khung trời mơ ước. Chỉ trong thời gian ngắn nhờ lĩnh hội nhanh kỹ thuật, các động tác xử lý cộng với tư duy phát triển tốt của mình, gương mặt “búng ra sữa” của anh đã không thua kém gì các bậc đàn anh trên sân, dù mới 15 - 16 tuổi.

Đầu năm 1981, Lê Văn Tám (17 tuổi) đã tham dự giải bóng đá vô địch huyện Châu Thành và được chọn vào đội tuyển huyện tham dự giải cấp tỉnh. Cái tuổi ấy, với chiều cao 1m72 thật lý tưởng cho vị trí trung phong có tốc độ, kỹ thuật, không chiến tốt trong những pha bóng bổng. Đặc biệt khi đó Văn Tám rất mê những cú vô lê ghi bàn tuyệt vời của cựu danh thủ miền Nam và Sở Công Nghiệp TP.HCM Võ Thành Sơn nên chỉ vài tháng sau anh đã khổ công luyện cú ra chân sắc sảo tương tự khiến cho nhiều thủ môn và không ít HLV phải khen ngợi.

Tài năng phát triền nhanh, đặc biệt là khả năng vừa chạy vừa sút bóng luôn rất trúng đích nên 18 tuổi, Lê Văn Tám được gọi về thi đấu cho đội Công an tỉnh Tiền Giang. Tên anh nổi lên như ngôi sao sáng của bóng đá sông Tiền. Chỉ 1 năm sau đó anh được mời về đội Công an TP.HCM, rồi Công an Long An, sau đó lại được HLV Từ Bá Nhẫn gọi về thi đấu cho đội bóng tỉnh nhà ở giải A2 toàn quốc (nay là hạng nhất QG).

 

Tôi còn nhớ cựu HLV đội tuyển miền Nam Từ Bá Nhẫn khi đó nhận xét: “Tám là một chân sút hết sức khéo léo. Anh hội tụ đủ các yếu tố thể lực dẻo dai, sức mạnh trong thi đấu, tốc độ nhanh và chịu di chuyển rộng, đặc biệt là sút tốt cả 2 chân nên luôn có trạng thái ổn định, hưng phấn khi ra trận”. Nhờ liên tục gắn bó nên anh đã góp phần đưa đội Tiền Giang trở lại giải A1 toàn quốc (nay là V-League) năm 1987.

Bất ngờ nhất trong đời của Lê Văn Tám chính là được gọi vào đội tuyển Việt Nam tập trung để tham dự thi đấu tại vòng loại World Cup 1994 và SEA Games thứ 17 - 1993 được tổ chức tại Singapore. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam đã thi đấu không thành công dù có khá nhiều cầu thủ giỏi. Văn Tám khi đó được HLV Trần Bình Sự sử dụng dự bị cùng với Lê Huỳnh Đức cho bộ đôi Hà Vương Ngầu Nại và Phan Thanh Hùng.

Ông Tám nhớ lại: “Thời đó bóng đá Việt Nam rất nhiều tài năng và thành tích quốc gia cũng rực rỡ. Còn tôi phận con nhà nghèo nên làm sao chen chân để cạnh tranh nỗi với các ngôi sao này. Tôi may mắn có mặt trong đội tuyển được HLV Trần Bình Sự, Nguyễn Văn Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang tin cậy đã là quá tốt rồi. Nhưng phải nói lúc đó kỹ thuật, lối đá thì Việt Nam không kém Thái Lan hay Myanmar, Indonesia, nhưng cái thua là cọ xát quốc tế còn yếu quá nên kinh nghiệm, độ dày dặn không bằng và tâm lý vẫn chưa thật vững vàng”.

Chỉ có một nỗi buồn duy nhất thời còn thi đấu mà đến giờ Văn Tám tuy không muốn nhắc lại, nhưng vẫn là cái đau âm ỉ của bóng đá tỉnh nhà. Đó là vào những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, Tiền Giang bị báo chí quây tưng bừng khi cho rằng nằm trong “liên minh ma quỷ” cùng với Đồng Tháp và Công an Hải Phòng. Báo hại những cầu thủ như anh dù thi đấu tốt mà vẫn cứ nơm nớp lo sợ bị chỉ trích, bị phê bình, mắng nhiếc nặng lời..

 

Làm kiểu gì cũng khó

Sau lần tham gia đội tuyển quốc gia đó trở về chỉ thời gian ngắn sau anh lên TP.HCM. Khi đó, khán giả Sài Gòn biết Lê Văn Tám nhiều qua màu áo đội Đá Mỹ Nghệ, rồi Cảng Sài Gòn. Tại mùa giải các đội mạnh quốc gia 1999 - 2000 anh đã chia tay trong nghẹn ngào nuối tiếc: “Trong trận đội Đồng Tháp gặp Cảng Sài Gòn trên sân Cao Lãnh, tôi bị chấn thương nặng và điều không mong đợi cũng đã đến, tôi phải rời sân cỏ, chia tay với quả bóng tròn đã một thời đồng hành thỏa chí đam mê”, ông Tám buồn bã nhắc lại

“Đường đời muôn lối rẽ chia, đôi khi lệch ngã gian nan cả đời”! Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Văn Tám là lối rẽ gian nan sau nghiệp quần đùi áo số. Chấn thương khiến anh giã từ sân cỏ nhưng xui rủi vẫn bám theo đến nỗi anh làm ăn, buôn bán kiểu gì cũng bất thành và vất vả mãi đến ngày hôm nay. Ông Tám than: “Cái số tôi lận đận không nói chi mà làm gì cũng không thu kết quả tốt. Đụng vào đâu tôi cũng gần như gặp thất bại rồi phải tự cứu mình. Có những khi tôi thấy cái việc đó rõ ràng trong tầm tay có thể hướng tới mà cuối cùng vẫn thua...”.

Đầu tiên anh chọn Bến Tre để kinh doanh ăn uống (bán phở), rồi đến vui chơi giải trí (karaoke, bida). Lúc đầu có đồng vô đồng ra nhưng cuộc sống vẫn chưa ổn định cộng với có giai đoạn ế ẩm nên tiền ra thì nhiều mà tiền vô lại quá ít, có ngày chưa đủ 20% vốn. Sau thời gian 4 năm Văn Tám lại đem gia đình với 2 nàng “công chúa” về Tân Hiệp (quê vợ anh) tìm kế sinh nhai trong căn nhà nhỏ cũ kỹ chỉ vỏn vẹn được 30 m2. Nơi đây anh mở quán "Phở Tám" trong con hẻm nhỏ thuộc khu chợ đêm Tân Hiệp và vẫn hết sức vất vả mưu sinh đến hôm nay.

 

Nhắc về những kỷ niệm một thời tung hoành trên sân cỏ, Văn Tám đôi mắt sáng rạng ngời khi kể về những thành tích, những trận đấu quyết liệt trên sân bóng. “Đời cầu thủ luôn là những cung bậc trầm bổng tựa như bản tình ca. Lúc đương thời chỉ đam mê "lăn" theo quả bóng. Nhưng rồi, thời gian như qua hết và sau những lần dời đổi, vật kỷ niệm không còn lưu giữ”. Giọng anh trầm lại khi nói anh rất buồn vì không giữ được bất cứ kỷ vật nào. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt đọng trên khoé mắt của anh.

Nhận xét về bóng đá Tiền Giang, anh nói "Có một giai đoạn lứa trẻ chơi tốt ở sân chơi U.21, từng vô địch giải U.21 báo Thanh Niên, tôi tường bọn nhỏ sẽ giúp cho tỉnh nhà tìm lại hình ảnh và vị trí vốn có. Vài năm trước cũng từng có cơ hội để bóng đá trở lại hạng cao. Vậy mà đến giờ mọi thứ vẫn ngụp lặn. Thực sự là rất buồn. Tôi chỉ mong những người có trách nhiệm và các cầu thủ tỉnh nhà hãy chung tay, đồng lòng để đưa Tiền Giang đi lên".

 

Ngồi tâm sự, ông trầm ngâm: “Hơn mười năm về trước, chợ đêm Tân Hiệp mới mở, chuyện đăng ký một chỗ buôn bán đâu khó khăn gì đối với tôi nên tôi nào nghĩ đến việc tìm một nơi ổn định để kinh doanh. Nào dè mình thiếu chuẩn bị nên khi cuộc sống quá vất vả khó khăn, quay lại tìm một chỗ “hành nghề” ổn định là cả một vấn đề nan giải, nên buộc tôi phải mở quán tại nhà, không được bao nhiêu, cũng nhờ khách ủng hộ, phải chạy bưng từng tô ra chợ vậy”.

Anh nói vui: “Có dịp về Tiền Giang và dịp ngang qua khu chợ đêm Tân Hiệp, Văn Tám mong mọi người nhớ đến anh ghé vào "Phở Tám" ủng hộ anh tô phở nhé các fan "đam mê quả bóng tròn". Đó cũng là sự động viên nho nhỏ của người hâm mộ dành cho cựu cầu thủ 56 tuổi này vậy”.

PV