Làm thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xã hội cho thanh niên?

00:00 12/10/2020

Đó là nội dung được thảo luận chủ yếu tại buổi Tọa đàm bàn tròn giữa các quốc gia đi đầu trong trao quyền khởi nghiệp sáng tạo xã hội cho thanh niên “Youth Empowerment ' Roundtable” diễn ra vào chiều ngày 3/4/2019, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Hội nghị thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Youth Co:Lab Summit 2019, được tổ chức bởi Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, với đơn vị đầu mối là Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp CSIE trở thành đối tác địa điểm, đón tiếp 1000 bạn trẻ đến từ 20 quốc gia trong khu vực.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tới tham dự buổi tọa đàm có đại diện chính phủ, cán bộ UNDP và nghiên cứu viên đến từ 8 quốc gia (Bhutan, Maldives, Nepal, Mongolia, Fiji, Vanuatu, Solomon Island và Samoa). Đặc biệt, sự kiện có sự góp mặt của PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp CSIE, bà Cynthia Cheung - cán bộ UNDP khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các nội dung chia sẻ, trao đổi tại toạ đàm xoay quanh chủ đề làm thế nào để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong thanh niên, các tổ chức học thuật có thể đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xã hội và chính phủ cần đưa ra những hỗ trợ gì để giúp cho các dự án của quốc gia mình có thể phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của chính đất nước mình.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm

Điểm nhấn trong Toạ đàm bàn tròn này chính là những kinh nghiệm nổi bật của phía Việt Nam với điển hình là Trung tâm Sáng tạo xã hội và Khởi nghiệp - trường Đại học Kinh tế Quốc dân - một tổ chức tuy tuổi đời còn non trẻ nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khởi nghiệp, tạo tác động ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng đã chia sẻ về “Thực trạng sáng tạo xã hội, doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”, cung cấp các định nghĩa, quy định của pháp luật, các tổ chức uy tín về khái niệm loại hình doanh nghiệp mới này. Bên cạnh đó PGS.TS Trương Thị Nam Thắng còn giới thiệu về “Cách thức giúp tổ chức học thuật có thể thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo xã hội trong thanh niên – tình huống của CSIE Việt Nam”, minh chứng qua chặng đường 2 năm hình thành và quá trình phát triển đầy tự hào của Trung tâm Sáng tạo Xã hội và Khởi nghiệp CSIE, từ một trung tâm nghiên cứu nhỏ nay đã trở thành đơn vị cấp 1 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Trung tâm hướng tới các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và ươm tạo cho các ý tưởng khởi nghiệp và sáng tạo xã hội. Các đối tác của trung tâm bao gồm các trường đại học uy tín như Trinity College Dublin, Indiana University hay các tổ chức như British Council Vietnam, UNDP, Irish Aid

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng trao đổi với đại biểu các nước

Buổi tọa đàm đã diễn ra với không khí sôi nổi, mỗi cá nhân, đoàn đại biểu đến từ 8 quốc gia đều lắng nghe, chia sẻ và học hỏi về câu chuyện của quốc gia mình. Nổi bật trong đó có chia sẻ về mô hình Kinh doanh bền vững (Green business) hiện đang được triển khai tại quốc gia hạnh phúc Nepal. Đồng thời, những rào cản về cơ sở hạ tầng, điều kiện di chuyển tại những quốc đảo có quy mô diện tích và dân số nhỏ như Fiji và Solomon Island cũng đã trở thành chủ đề thảo luận.

Các sản phẩm đã và đang và sẽ ra mắt của CSIE cũng được giới thiệu đầy đủ và trực quan tới các đại biẻu tại tòa đảm. Nổi bật nhất là: imapvietnam.org - Bản đồ số về doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam và MoSIE - Chương trình đầu tiên về thạc sĩ về Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo dự kiến sẽ ra mắt và tuyển sinh vào tháng 9 năm nay.

Kết thúc tọa đàm, PGS.TS Trương Thị Nam Thắng đã tặng quà cho 8 đại biểu đại diện cho chính phủ các nước, đồng thời cũng có những món quà nhỏ do các doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam sản xuất được trao tặng cho các vị khách khác. Hy vọng đây sẽ là cơ hội để mạng lưới sáng tạo xã hội toàn cầu được học hỏi, trau dồi và đồng phát triển.

Thu Giang