Trong chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công số 11 tuần trước, chúng ta đã được nghe cuộc tranh biện sôi nổi giữa CEO và cổ đông sáng lập Doanh nghiệp Salad Việt (chuyên sản xuất và cung cấp Diet Food Online) về vấn đề nên đa dạng hóa ngành nghề hay tập trung và tạo sự khác biệt.
Theo CEO, Salad Việt không nên mở rộng sản phẩm mà cần phát triển theo hướng tập trung và khác biệt, không pha loãng thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, đặc biệt là thời gian giao hàng.
Bởi thực tế cho thấy các doanh nghiệp nhỏ thường chăm sóc khách hàng tốt hơn thông qua việc giao hàng nhanh, gọi điện thoại và chăm sóc khách được thường xuyên.
Tuy nhiên, phía các cổ đông sáng lập chỉ muốn đa dạng hóa sản phẩm để tối ưu hoạt động kinh doanh, thay vì chỉ cung cấp mỗi sản phẩm salad.
Đi tìm lời giải cho bài toán này, đồng thời giúp doanh nghiệp có thể phát triển ổn định là sự góp mặt của CEO Phạm Thị Yến Nhi - sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Mầm Trúc; cùng 2 chuyên gia là ông Lê Hải Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Mắt Bão, và ông Lâm Minh Chánh - sáng lập và Giám đốc Super Vip, đồng sáng lập Group Quản trị và Khởi nghiệp.
Chương trình CEO – Chìa Khóa Thành Công chủ đề: “Khởi nghiệp - Tập trung và khác biệt”
Theo ông Lê Hải Bình, câu chuyện của Salad Việt khá giống với Mắt Bão trong thời kì đầu khởi nghiệp. Xuất phát điểm của Mắt Bão là một công ty phần mềm, nhưng sau một năm, ông phát hiện ra đây không phải là chiến lược để công ty phát triển lâu dài. Ông Bình khi đó buộc đi tới quyết định đổi ngành nghề.
Việc thay đổi chiến lược nghe thì dễ, nhưng bắt tay vào làm thực sự lại khó. Bởi thông thường, khi đa dạng, hay chuyển đồi ngành nghề, các công ty sẽ chọn những lĩnh vực tương đồng. Trong khi Mắt Bão chuyển hẳn sang lĩnh vực tên miền, hosting hoàn toàn mới. Theo ông Bình, đây thực sự là một thử thách.
Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm và đồng lòng của ban lãnh đạo, công ty đã bám sát chiến lược vạch ra và phát triển tới quy mô 2.800 nhân sự như hiện nay.
Đồng tình với quan điểm của CEO Lê Hải Bình, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp đa dạng hóa ngành nghề hay tập trung và tạo sự khác biệt phụ thuộc vào tính thời điểm, cũng như nguồn lực về tài chính, nhân sự khi đó.
Một doanh nghiệp sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn, từ sơ khởi, tìm kiếm khách hàng, lớn mạnh và vươn lên thành tập đoàn. Thông thường, các doanh nghiệp chỉ tính tới đa dạng hóa khi nguồn lực đã đủ mạnh. Còn ở giai đoạn startup, việc tập trung sáng tạo và khác biệt là rất quan trọng.
Trong trường hợp đơn vị khởi nghiệp muốn đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược an toàn và vừa sức nhất, đó là phát triển sản phẩm theo chiều dọc. Nghĩa là ngày một nâng cấp cả về chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm cốt lõi. Đồng thời luôn bám sát ngành nghề kinh doanh chính này.
Còn nếu cứ chạy theo thị trường, phát triển và kinh doanh sản phẩm theo bề ngang với nhiều chủng loại mẫu mã, thì cơ hội thành công sẽ rất thấp. Bởi lúc này nguồn lực của doanh nghiệp sẽ bị phân tán, dù là có nhiều sản phẩm mạnh nhưng sẽ có không sản phẩm nào đủ mạnh để chinh phục thị trường.
Vậy đâu sẽ là lời giải thoả đáng cho doanh nghiệp này? Hãy đón xem chủ đề: “Khởi nghiệp - Tập trung và khác biệt” để có được câu trả lời.
Theo Theleader