Hoàn thiện cơ chế pháp lý để tháo điểm nghẽn

00:00 12/10/2020

Để tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường bất động sản, chính quyền cần chú trọng hơn đến việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, xử lý dứt điểm các dự án trái phép để cân bằng lại thị trường, đồng thời hỗ trợ cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, chính từ những hệ lụy của hoạt động kinh doanh không bền vững đã dẫn đến việc chính quyền đưa ra các biện pháp can thiệp như tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án; siết chặt quy trình thủ tục pháp lý phê duyệt cấp phép.

Tuân thủ quy hoạch

Việc siết chặt quy trình thủ tục pháp lý phê duyệt cấp phép đã kéo theo số dự án được triển khai “dậm chân tại chỗ”, thị trường đã sụt giảm trong vài quý vừa qua. Khả năng sự sụt giảm đó sẽ có ảnh hưởng đến đầu năm 2020, nhưng việc phục hồi trong năm 2020 vẫn có thể tốt.

Tuy nhiên, thị trường năm 2020 và những năm tới phát triển cũng phải dựa trên những tín hiệu tích cực từ chính sách cũng như hoạt động kinh doanh phải công khai, minh bạch và bền vững.

Theo Ts. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, để phát triển thị trường BĐS cần phải có quy hoạch chuẩn, không được vi phạm quy hoạch. Đó chính là quy hoạch tổng thể cả về kinh tế – xã hội chứ không phải chỉ riêng nhà ở. Khi làm quy hoạch rồi thì vấn đề khâu pháp lý, cấp giấy phép phải đảm bảo đúng quy hoạch, việc đẩy mạnh cấp giấy phép sẽ giúp thúc đẩy thị trường BĐS và không lo sợ thị trường méo mó.

Đối với doanh nghiệp (DN), không nên đi theo dạng dự án nối dự án, liên tục tìm kiếm đất để làm rồi bán nhanh. Bởi một dự án đầu tiên phải có giấy phép, để có giấy phép hiện tại đã rất khó nhưng phải có đầy đủ. Tiếp đó, dự án thu hút khách hàng bắt buộc phải có thiết kế đẹp, đáp ứng quy hoạch… Đáp ứng được đầy đủ các yếu tố như vậy mới tạo được giá trị cho dự án.

DN cũng cần phải có đủ vốn, không chỉ là dùng vốn “lướt sóng”, đợi siêu lợi nhuận, mà nên tổ chức huy động nguồn vốn và phát triển dự án cho tốt thì dự án mới có giá trị và không bị áp lực bởi việc làm ẩu, bán nhanh.

Nhìn từ góc độ BĐS, sản xuất kinh doanh là đang tạo nên chất lượng của sản phẩm, đó mới là hướng đi đúng và tạo ra thị trường BĐS giá trị. Còn nếu chỉ muốn Nhà nước cấp giấy phép nhanh, chính sách thông thoáng rồi làm ẩu để lấy số lượng thì đó là tự hại mình, làm mất uy tín của mình.

Đối với các tổ chức xã hội, vấn đề đưa chung cư trở thành một cộng đồng ở có giá trị thì vai trò của ban quản lý dự án cần phải chuyên nghiệp hơn. Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho pháp lý và cho cả tính hợp lý hiệu quả của ban quản lý chung cư để tạo ra môi trường ở thực sự văn minh và giá trị, đảm bảo chất lượng. Khi làm tốt thì danh tiếng ở chung cư trở thành nếp sống chung của đô thị, người dân sẽ mạnh dạn và tin tưởng hơn khi mua chung cư.

Tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường bất động sản phát triển bền vững

Xử lý triệt để tồn đọng

Bàn về vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Chí Thanh cho rằng khi các quy định ngày càng chặt chẽ thì các DN khi triển khai cũng phải kỹ lưỡng, cẩn thận, cẩn trọng từng bước một, nhất là khâu thủ tục giấy tờ.

“Nên tránh tất cả các vấn đề mà trước kia mình nghĩ có thể linh hoạt được thì bây giờ phải thận trọng, tuân thủ đúng theo quy định để tránh những sai phạm không đáng có”, ông Thanh nói.

Theo nhiều ý kiến, việc rà soát của cơ quan quản lý nhà nước là cần thiết làm thanh lọc thị trường BĐS, vì quá khứ có nhiều sai phạm, có thể chấn chỉnh quy định, luật pháp, nhưng ông Thanh cho rằng cũng cần có những giải pháp hợp lý để tránh tạo ra những bước hụt cho thị trường, khiến DN bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh…

Điều trước mắt là cơ quan quản lý phải giải quyết hết toàn bộ những vướng mắc mà lâu nay đã được DN đề cập tới liên quan đến luật, pháp lý chồng chéo, giải quyết xong thì tất yếu thị trường sẽ khôi phục trở lại.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, mong muốn chính quyền chú trọng hơn đến việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, xử lý dứt điểm các dự án trái phép để cân bằng lại thị trường, đồng thời hỗ trợ cấp phép cho những dự án đủ điều kiện phát triển.

Cụ thể là phải tạo ra quỹ đất lớn, chính quyền cần có cơ chế linh hoạt để chủ đầu tư mạnh dạn đầu tư. Đặc biệt, nên có những cơ chế tốt hơn cho các chủ đầu tư phát triển dự án quy mô, bài bản, phục vụ nhu cầu thực hơn là đầu tư.

Đối với các DN nên có sự phân loại, khoanh vùng dự án theo từng phân khúc cụ thể và phải đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Những dự án nào đang làm tốt thì có cơ chế tháo gỡ, những sản phẩm đang bất ổn thì phải có giải pháp riêng để xử lý triệt để, tránh tình trạng đình trệ kéo dài sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế.

“Giải pháp nhanh chóng nhất bây giờ là DN và chính quyền cần có sự đồng bộ về tư tưởng và phối hợp hành động. Cần có sự phân loại, đánh giá, ưu tiên những sản phẩm tốt và có đóng góp cho thị trường BĐS. Cái gì tốt thì phát huy, cái gì gây nhiễu loạn thì loại bỏ để sớm khai thông”, ông Stephen Wyatt nói.

Chỉ khi điều chỉnh nguồn cung phù hợp với nhu cầu của thị trường thì mặt bằng giá trong phân khúc căn hộ nói chung và thị trường BĐS nói riêng mới bình ổn trở lại.

Phạm Minh