Giải mã doanh nhân thành công

00:00 12/10/2020

Tại diễn đàn kinh tế Dachen được tổ chức tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Liu Chen, người sáng lập và Chủ tịch của Dachen Ventures, quỹ đầu tư số một Trung Quốc, đã công bố một nghiên cứu được thực hiện trong 16 năm với hàng triệu doanh nghiệp doanh nhân được quan sát nghiên cứu. Tại đây ông đã chia sẻ về những đặc điểm tạo lên một doanh nhân thành công và một doanh nhân thất bại.

Mọi doanh nhân thành công đều giống nhau

Ảnh minh họa - Nguồn internet

Sau khi quan sát trong thời gian dài, Liu Chen nhận thấy, những người chủ doanh nghiệp thành đạt đều là những người có trái tim nhân hậu, biết yêu thương quan tâm đến mọi người. Mặc dù trong quá trình tìm hiểu nghiên cứu, ông cũng gặp phải những nhân vật đạt được thành công bằng những thủ đoạn mưu mô xấu xa, thậm chí đê tiện, nhưng đó chỉ là số ít, chính vì vậy ông đã đưa ra kết luận, một doanh nhân thành công trước hết phải là một người có nhân cách đạo đức tốt. Ngoài ra, Liu Chen nhận thấy rằng những doanh nhân thành công rất ổn định về cảm xúc. Thật khó để thấy rằng tâm trạng của vị doanh nhân đó thay đổi mỗi khi tiếp xúc, anh ta luôn thể hiện được sự bình tĩnh. Mỗi doanh nhân hàng ngày đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, ức chế và áp lực. Nếu họ không có được những phẩm chất như vậy, chắc chắn họ sẽ không thể đối mặt với những điều này và đã thất bại từ lâu. Vì vậy, tinh thần kinh doanh đặc biệt chống lại cảm xúc thông thường của con người. Bản chất của con người chúng ta là gì? Chúng ta rất lười biếng bên trong, rất nhạy cảm, muốn khóc khi chúng ta không thoải mái, muốn cười khi chúng ta hạnh phúc, nhưng doanh nhân thì không như vậy. Tinh thần doanh nhân sẽ biến một người phụ nữ thành một người đàn ông và một người đàn ông thành một người đàn ông thực sự.

Điều tiếp theo một doanh nhân thành đạt cần có, đó chính là sự tập trung. Xã hội hiện có quá nhiều cơ hội và cám dỗ kinh doanh, nếu không có sự tập trung sẽ dẫn đến sự xao lãng thiếu hiệu quả vì quá nhiều mục tiêu được chọn. Liu Chen cũng dẫn ví dụ về ông chủ Tesla Elon Musk. Với những dự án về tên lửa, năng lượng mặt trời và phương tiện năng lượng mới của ông đang khiến Elon Musk phải chiến đấu cùng lúc trên ba mặt trận, nếu Elon Musk chỉ tập trung vào một lĩnh vực chính khả năng thành công của ông chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Ông ta có thể thành công, nhưng đây chỉ là một sự kiện có xác suất rất nhỏ và mọi người không nên mù quáng. Đừng bao giờ đặt mình là người kế thừa Steve Jobs. Chúng ta là một người bình thường, chúng ta nên theo đuổi những dự án có khả năng thành công cao ở mức phù hợp.

Mô hình kinh doanh nên đơn giản và rõ ràng, không phức tạp. Về cơ bản, một câu có thể xác định rõ mô hình hoạt động kinh doanh của công ty đó. Công ty bạn đang làm gì? Nếu không trả lời được rõ ràng, doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không thành công. Đặc điểm chung của các doanh nhân thành công tiếp theo là khả năng đổi mới. Trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, công ty đó phải có sự khác biệt đối với công ty khác. Một số doanh nhân nói rằng mọi người không ngừng đổi mới trong các ngành công nghiệp mới nổi, làm thế nào chúng ta có thể đổi mới trong các ngành truyền thống? Liu Chen dẫn một trường hợp. Ông đã đến một trang trại gà, ông chủ nuôi gà tự hỏi làm thế nào để kiếm thêm tiền từ gà mỗi ngày. Sau đó ông đã tìm ra đáp án, phải bán xương gà với giá cao, nhưng liệu có ai muốn mua không? Ông đã nghiên cứu và tạo ra một sản phẩm mới, biến xương gà thành sản phẩm chính, sau đó giới thiệu nó cho KFC, McDonald, nói với họ rằng họ hoàn toàn có thể bán xương gà mà không để lãng phí. Sau đó, từ ý tưởng sáng tạo này, sản phẩm từ xương gà của ông bán được với giá thậm chí đắt hơn thịt gà. Giá trị của con gà đã được tối đa hóa. Do đó, sự đổi mới có mặt ở khắp nơi, mỗi công ty đều có thể tìm thấy sự đổi mới và hình thành lợi thế cạnh tranh riêng biệt. Để thành công trong kinh doanh phải thành thạo nhiều nhịp điệu khác nhau. Làm kinh doanh cũng giống như khiêu vũ, chúng ta phải theo kịp nhịp điệu, nếu không sẽ giẫm lên chân người khác hoặc ngã. Chúng ta phải biết khi nào nên nhanh, khi nào nên chậm. Làm kinh doanh như chạy marathon, một số người có thể chạy nước rút, bắt đầu chạy rất nhanh, chúng ta có thể bị làm phiền và cuốn theo bởi nhịp điệu đó. Vì vậy, hãy nắm bắt nhịp điệu của riêng mình để tạo ra một lực cố định, khi nào cần thêm, khi nào nên bớt. 

Điều tương tự cũng đúng với R&D (nghiên cứu và phát triển). R&D rất quan trọng, nhưng rủi ro của R&D cũng rất lớn. Cần xác định rõ khi nào phải nghiên cứu và phát triển, khi nào nên dừng lại, điều này cũng rất quan trọng. Hiện nay có rất nhiều sách hướng dẫn về những thành công của doanh nghiệp tập đoàn lớn. Apple, Google, Lenovo, Amazon,... những doanh nghiệp này đều có nhiều bài học để học hỏi. Nhưng học tập không thể mù quáng, cần phải thích nghi với điều kiện địa phương và thích nghi với thời đại, đặc biệt là học cách những công ty lớn này làm khi họ mới khởi nghiệp. Một số doanh nhân đặc biệt tôn sùng Apple và nói rằng họ muốn trở thành một Apple nhỏ trong tương lai. Liu Chen nhận thấy rằng điều mạnh mẽ nhất về Apple là họ dám đầu tư vào R&D. Apple đầu tư 10% doanh thu bán hàng vào R&D. Vì vậy, nếu một doanh nghiệp cũng làm điều tương tự mà không cân nhắc, tuyển dụng hàng trăm nhân viên R&D, tiêu tốn gần như toàn bộ lợi nhuận có được vào R&D khiến nhiều dự án R&D chưa hoàn thành đã nuốt hết lợi nhuận, thậm chí không có lợi nhuận.

Thất bại của mỗi doanh nhân đều theo cách riêng

Ngoài những phẩm chất tạo lên một doanh nhân thành công, nghiên cứu của Liu Chen cũng chỉ ra những lý do khiến một doanh nhân phải chịu thất bại trên thương trường. Một trong những lý do hàng đầu khiến các doanh nhân thất bại, theo Liu Chen, là do họ không biết mình đang không biết những gì. Đặc biệt, nếu anh ta đang bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới thì điều này vô cùng tai hại, có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nhân không thể xây dựng doanh nghiệp với tâm lý biết hết mọi thứ. Với những người dày dạn, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thì thời điểm họ nghĩ bản thân có thể giải đáp mọi trả lời cũng là lúc họ ngừng lắng nghe. Và khi không còn lắng nghe người khác, họ sẽ ngừng học hỏi, nhận thức bị che mờ và họ bắt đầu ra quyết định dựa trên sự ngạo mạn. Nhiều doanh nhân chỉ nghĩ và quan tâm đến những điều vĩ đại, mà bỏ qua những cơ hội kiếm tiền nhỏ, vì vậy có thể bỏ qua những cơ hội lớn ẩn sau những lợi nhuận nhỏ bé thu được ban đầu. Ngoài ra, còn có một quy tắc rằng một doanh nhân thất bại về cơ bản có một số vấn đề về tính cách và tính cách tạo nên số phận của anh ta. Nếu anh ta có khí chất mềm mỏng như một "phụ nữ" sẽ dễ bị thất bại hơn. Một số doanh nhân đặc biệt mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên, dường như không ai có thể phản đối họ trong doanh nghiệp, họ tạo ra được sức mạnh uy lực từ khí chất bên trong.

Nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi doanh nhân đều có điểm hạn chế riêng của mình, không ai là hoàn hảo. Và trên bước đường kinh doanh đầy chông gai, anh ta phải liên tục học hỏi trau dồi kiến thức, đôi khi phải trả giá cho những thất bại của mình.

Kinh doanh là một công việc không dễ dàng và rất đáng được trân trọng.

Thái Dương