Doanh nhân tiêu biểu Lưu Văn Quảng: Người thắp lửa cho những hải trình

00:00 12/10/2020

Suốt 35 năm gắn bó với nghề, doanh nhân tiêu biểu Lưu Văn Quảng - Tổng Cty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Bắc - được nhắc tới như một người thắp lửa dẫn đường cho những con tàu hành trình trên các vùng biển của tổ quốc - người đã cùng đồng đội dựng xây nên các công trình đèn biển, đăng tiêu, phao báo hiệu dẫn đường cho các phương tiện thủy hành hải trên biển an toàn và thuận lợi.

Thưa ông, kỉ niệm nào ông nhớ nhất trong cuộc hành trình xây dựng những báo hiệu hàng hải trên vùng biển Việt Nam? DN Lưu Văn Quảng: Dịp ấy cũng vào những ngày cuối tháng 10 gió bắc heo may, chúng tôi gồm 55 cán bộ kỹ sư công nhân chuyên ngành được giao nhiệm vụ ra quần đảo Trường Sa khảo sát thực tế, nghiên cứu lập quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống đèn biển phục vụ vận tải biển, đánh bắt thủy sản và xác lập chủ quyền. Trường Sa bốn mùa sóng gió, thời gian biển yên để có thể thi công công trình rất hạn chế nên để xây dựng đèn biển vào năm 1993 thì công tác chuẩn bị phải được thực hiện từ cuối năm trước. 11 giờ ngày 17/10/1992, toàn thể thành viên trong đoàn cùng các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết đã sẵn sàng trên tàu Mỹ Á. 17h cùng ngày, tàu rời Cảng Nhà Bè chạy ra khu vực Vũng Tàu để vượt biển đi Trường Sa. Đúng lúc này thì đoàn nhận được tin báo khu vực Trường Sa có bão lớn. Tuy nhiên, nhiệm vụ cấp thiết mà thời gian lại không còn nhiều, nên sau khi hội ý chớp nhoáng đoàn quyết định hành trình trong bão. Tàu càng ra khơi sóng gió càng lớn, tất cả các thành viên trên tàu ai cũng say sóng. Sau 40 tiếng đồng hồ vật lộn với gió bão, đến trưa ngày 19/10, tàu đã đến vùng Đá Tây, một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa và bắt đầu ngay vào việc thực hiện nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành công việc ở đảo Đá Tây, đoàn di chuyển sang đảo Đá Lát cách đó khoảng 35km cũng là một đảo chìm với chiều dài khoảng 7,2km, rộng khoảng 1,2km. Do điều kiện địa hình nên tàu Mỹ Á phải neo ngoài khơi để các thành viên trong đoàn di chuyển bằng ca nô vào đảo triển khai công việc. Đến chiều ngày 25/10/1992, công việc hoàn thành đúng kế hoạch, chúng tôi chia tay tạm biệt mọi người trên đảo. Biển lúc này dữ dằn dềnh lên dập xuống như nuốt chửng chiếc canô nhỏ bé, xác định được nguy cơ nên anh em chúng tôi đã cho tài liệu bọc nilon để bảo quản. Khi canô cách tàu Mỹ Á khoảng 500m, cột sóng cao khoảng 2-3m định mệnh đã nhấn chìm canô, 14 thành viên của đoàn công tác trôi dạt mỗi người một nơi giữa biển tối đen, lạnh cóng. Sau 35 phút, tôi dùng tất cả sức lực bơi được đến gần tàu, rồi đến Phạm Thanh Bình, Đồng Việt Bắc, 2 công nhân lái canô cũng lần lượt thoát chết. Đến 21h 30 tàu Mỹ Á mới chỉ tìm được 9 người thì tình cờ một sỹ quan máy từ hầm máy lên boong nhìn ra phía biển, nhìn thấy người thứ 10 là anh Đồng Văn Năng. Còn lại 4 người là anh Đặng Dong, anh Đặng Huy Trung, anh Trịnh Xuân Nghị và anh Phan Thanh Hải bơi vào đảo. Đến 6h sáng ngày 26/10, cả 14 anh em đều được cứu lên tàu. Mọi người gặp nhau mừng mừng tủi tủi ôm nhau vì cùng thoát qua tử nạn. Khó khăn trong việc xây dựng đèn biển mà ông gặp phải là gì? DN Lưu Văn Quảng: Công trình đèn biển đầu tiên được xây dựng trên quần đảo Trường Sa là đèn biển Song Tử Tây. Ngày bắt đầu thi công (17/5/1993), 56 công nhân được chia làm 2 lực lượng vận chuyển và thi công, do không có bãi tập kết nên hơn 4.000 tấn vật tư đưa tới là phải gùi, khiêng để lắp đặt ngay. Tất cả các thao tác đều dựa vào sức người, lương thực, vật liệu vận chuyển ra không tiếp cận được sát đảo, thế rồi lại huy động anh em ngâm mình trong nước, chân bước đi trên bãi san hô đưa canô ra lăn lộn đón từng mã hàng trong tình trạng gió quật, tàu lắc một phương, canô chòng chành lệch một hướng. Thời điểm thi công móng đèn, để không bị chậm tiến độ, hơn 300 khối bê tông được trộn và làm việc liên tục xuyên đêm hơn 24 giờ đồng hồ, người mệt lại vào nghỉ, người đói lại vào ăn, tất cả thực hiện công trình trong thời tiết gió lớn, sóng biển bập bùng. Lúc hoàn thành, ngoái lại nhìn nhau, từ cán bộ đến công nhân, ai cũng một màu da đen bóng, mái tóc hung hung như râu ngô, mặt hốc hác, gầy còm. Công trình đèn biển Đá Tây xây dựng năm 1994 lại có đặc thù khó khăn hơn là phải làm trên đảo chìm, hoàn toàn không có mặt bằng nên chúng tôi phải xây dựng hệ thống sàn đạo trên biển để tập kết vật tư, máy móc, làm nơi sinh hoạt và thi công công trình. Trường Sa có khí hậu sóng gió vô cùng khắc nghiệt và đặc biệt là không có nước ngọt nên chúng tôi phải vận chuyển toàn bộ nước ngọt từ đất liền ra để phục vụ xây dựng công trình cũng như sinh hoạt của cán bộ công nhân. Lao động thì vô cùng vất vả nhưng lương thực thực phẩm phục vụ đời sống thì lại rất khó khăn vì phải mang toàn bộ từ đất liền ra và không có điều kiện bảo quản.

Ông đã góp sức trong bao nhiêu công trình đèn biển đã được xây dựng trên các hải đảo của Việt Nam ? DN Lưu Văn Quảng: Trực tiếp tôi đã chỉ huy xây dựng rất nhiều công trình, trong đó đáng kể nhất là các đèn biển Song Tử Tây, Đá Tây, An Bang, Nam Yết, Sơn Ca trên quần đảo Trường Sa; hệ thống báo hiệu luồng Cẩm Phả - Quảng Ninh, trạm đèn Hòn Mê -Thanh Hóa, trạm đèn Dương Đông An Thới Phú Quốc; Thổ Chu - Kiêm Giang; Ba Lạt; Diêm Điền – Thái Bình; Phú Quý - Bình Thuận… Trở ngại lớn nhất cho việc bảo đảm an toàn hàng hải hiện nay, và thực tế khó khăn trong ngành hàng hải của nước ta hiện nay là gì thưa ông? DN Lưu Văn Quảng: Khó khăn lớn nhất đối với công tác bảo đảm an toàn hàng hải của nước ta hiện nay là xu thế hiện đại hóa rất nhanh và mạnh trong công tác bảo đảm an toàn hàng hải của thế giới đòi hỏi sự đáp ứng của chúng ta với trách nhiệm của một quốc gia có biển cũng phải phấn đấu để hội nhập, theo kịp trình độ của khu vực, trong bối cảnh ngân sách của nhà nước bố trí cho công tác bảo đảm an toàn hàng hải vẫn còn hạn chế. Là một doanh nhân tiêu biểu, ông muốn nhắn gửi điều gì cho thế hệ tiếp nối ? DN Lưu Văn Quảng: Đề án phát triển bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được anh em chúng tôi tâm huyết xây dựng trong suốt 3 năm, được 11 bộ, ngành thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí hơn 10 ngàn tỷ đồng chính là bức tranh quy hoạch tổng thể, là định hướng để các thế hệ tiếp nối dùng làm kim chỉ nam cho sự nghiệp phát triển của ngành bảo đảm an toàn hàng hải. Theo tôi, điều quan trọng nhất là chúng ta phải tâm huyết với nghề, hướng tới học hỏi văn minh của thế giới, cụ thể là các chuẩn mực, khuyến cáo, chỉ dẫn của Tổ chức hàng hải thế giới IMO, Hiệp hội báo hiệu hàng hải và hải đăng quốc tế IALA... Trân trọng cảm ơn ông! Nhóm PV vùng Duyên hải (thực hiện)