Đền thờ Tô Hiến Thành trên dãy núi Trường Lệ

00:00 12/10/2020

Đến với Sầm Sơn, sau khi được đắm mình trong dòng nước mát lành, hưởng vị mặn mòi của biển khơi, du khách hãy thong thả, dảo bước đi bộ lên núi Trường Lệ để được thưởng ngoạn không gian thiên nhiên thơ mộng, trữ tình gắn với những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của một thành phố biển. Trầm mặc giữa núi rừng Trường Lệ uốn lượn quanh co và kì vĩ ấy là đền thờ Tô Hiến Thành (còn gọi là đền Trung) linh thiêng, gợi cho chúng ta một cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh mỗi khi ghé thăm. Hiện ngôi đền đang được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn di tích và phục vụ nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách.

Vị quan thanh liêm thời Lý….

Đền thờ Tô Hiến Thành tọa lạc trên dãy núi Trường Lệ thơ mộng thuộc phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn. Hằng năm, nhân dân vẫn tế lễ, giỗ ông vào ngày 12-6 (âm lịch) để tỏ lòng tri ân vị khai quốc công thần thời Lý có nhiều công lao đánh giặc Tống, bình Chiêm, bảo vệ đất nước, góp phần xây dựng triều chính nhà Lý vững mạnh.

Ngày nay, hậu thế vẫn nhắc đến ông bằng tất cả sự tri ân về một vị quan thanh liêm, chính trực, hết mực với triều đại, một lòng đau đáu về vận mệnh của đất nước và nhân dân. Sử sách và dân gian vẫn truyền tụng câu chuyện ngợi ca về vị quan Tô Hiến Thành rằng: Năm 1175, trước khi mất, vua Lý Anh Tông xác lập con thứ là Long Trát (3 tuổi) lên làm vua, lấy niên hiệu Lý Cao Tông. Đồng thời Vua đã phong Tô Hiến Thành là phụ chính giữ chức “Kiểm hiệu Thái phó, Bình Chương Quân Quốc Trọng Sư”. Sau khi vua mất, thái hậu họ Lê muốn lập con trưởng là Long Xưởng lên ngôi, nên sai người đưa một mâm vàng đến hối lộ cho gia đình Tô Hiến Thành. Song, ông nhất mực từ chối, một lòng thực hiện theo di nguyện của tiên Đế...

Đến năm Kỷ Hợi 1179, khi ông lâm bệnh nặng, quan Tham trí Võ Tá Đường ngày đêm hầu trực bên giường bệnh. Nhưng khi được Thái hậu hỏi “Ai là người sẽ thay thế?”, Tô Hiến Thành vẫn một mực khẳng khái: “Thái hậu hỏi người thay tôi làm tướng, tôi cử Trần Trung Tá, còn hỏi người phụng dưỡng, chẳng phải Tán Đường thì ai...?”. Đáng tiếc, sau đấy triều đình không nghe theo sự tiến cử của ông, dẫn đến việc người hiền tài không được trọng dụng, nên đất nước suy yếu...

Nhân dân ghi nhớ ân đức ông, không chỉ đánh giặc giữ nước, bảo vệ dân mà còn giúp dân khai hoang, lập làng nên dựng đền thờ ở nhiều nơi. Đền thờ Tô Hiến Thành ở Sầm Sơn là một trong 72 ngôi đền ở Thanh Hóa thờ ông, tương truyền đền đã có cách đây khoảng 800 năm

Di tích quốc gia đền thờ Tô Hiến Thành án ngữ trên núi Trường Lệ là điểm đến tâm linh và tham quan, vãn cảnh đặc biệt cho du khách xa gần mỗi khi về với Sầm Sơn. Đền nằm trên đồi cao, hướng về phía Tây. Cổng Tam quan cao vút, bề thế, có voi phục, ngựa chầu uy phong. Bước qua cổng tam quan, cây si, cây vông, nhất là cây bàng cổ thụ trước cửa đền, gốc to hơn một vòng tay tỏa bóng xuống sân đền. Đền có kết cấu kiểu chữ Đinh, tọa lạc vững chãi trên đỉnh đồi, bao gồm ba gian: Bái đường, Trung đường, Hậu cung. Các gian trong đền đều nhỏ, gợi không khí ấm cúng. Trung đường là nơi đặt khám và tượng ngài Tô Hiến Thành, nơi ngài làm việc. Hậu cung là nơi linh thiêng nhất, thờ bài vị Thái úy Tô Hiến Thành, áo vua ban.

Đền thờ Tô Hiến Thành trên dãy núi Trường Lệ của thành phố biển Sầm Sơn

Tương truyền rằng: Vùng đất Sầm Sơn xưa kia vốn hoang vu, lạnh lẽo. Trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành, quan đại thần Tô Hiến Thành đã có công giúp nhân dân vùng biển nói chung và nhân dân Sầm Sơn nói riêng cách lấn biển, lập làng, khai hoang để xây dựng cuộc sống. Bởi thế, sau khi ông mất, nhân dân Sầm Sơn đã lập đền thờ ông ngay trên dãy núi Trường Lệ.

Trùng tu đền Tô Hiến Thành …

Khởi nguyên vốn dĩ chỉ là miếu thờ nhỏ bé. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, nhân dân Sầm Sơn đã mở rộng thành đền thờ linh thiêng. Năm 1990, đền thờ Tô Hiến Thành trên dãy núi Trường Lệ đã được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử Quốc gia. Cũng vào thời điểm này, Ban quản lý Di tích danh thắng Sầm Sơn đã tiến hành trùng tu, tôn tạo lại. Hiện tại, di tích này vẫn còn lưu giữ một số hiện vật, sắc phong qua các triều đại phong kiến. Dù được gìn giữ, trông coi khá cẩn thận, nhưng do sự khắc nghiệt của thời tiết trải qua dòng thời gian, nên đền thờ Tô Hiến Thành ở Sầm Sơn cũng không tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Vì thế, hiện Ban quản lý di tích danh thắng Sầm Sơn đã và đang tiếp tục trùng tu, tôn tạo lại đền Tô Hiến Thành để giữ gìn những giá trị vốn có của di tích.

Được biết, vào ngày 21/9/2017, Bộ VH-TT&DL đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Tô Hiến Thành để bảo tồn và phát huy giá trị bằng nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn xã hội hóa. Theo đó, vào ngày 10/5/2018, UBND TP. Sầm Sơn ra quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ Tô Hiến Thành. Chủ đầu tư dự án là UBND TP. Sầm Sơn, và đơn vị thực hiện là Ban QLDA đầu tư xây dựng TP. Sầm Sơn. Mục đích của việc sửa chữa, cải tạo, kết hợp xây dựng mới đền thờ Tô Hiến Thành là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị công trình di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho nhân dân trên địa bàn và du khách.

Các hạng mục được đầu tư xây dựng, tôn tạo bao gồm: Đền thờ chính (tiền bái, hậu cung); Nghi môn (cổng đền); am hóa vàng; sân, đường nội bộ và hạ tầng kĩ thuật... Xây dựng tôn tạo đền thờ chính nằm phía sau nghi môn qua khoảng sân đền, trên cùng 1 trục thần đạo của khu di tích, cụ thể: Tiền bái 3 gian kiểu 1 tầng mái; Hậu cung 1 gian kiểu tường thu hồi bít bốc, phỏng theo hình thức kiến trúc truyền thống. Phục dựng Nghi môn (cổng đền) dựa trên cơ sở ảnh tư liệu của người  Pháp để lại. Cổng nằm trên trục thần đạo phía trước đền thờ chính với kiến trúc chồng diêm hai tầng mái. Xây mới sân, đường nội bộ và hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa. Cổng phụ, tường rào và cây xanh, cảnh quan phù hợp với  khuôn viên đền thờ truyền thống, tạo nên một không gian tổng thể di tích hài hòa và trang trọng. Các hạng mục tu bổ, tôn tạo được sử dụng các loại vật liệu tương đương với vật liệu gốc cấu thành di tích.

Nghi môn (cổng đền) đang được phục dựng dựa trên cơ sở ảnh tư liệu của người  Pháp để lại

Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 9,5 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, cùng với ngân sách của thành phố và nguồn xã hội hóa. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2018 và 2019.

Ông Văn Đình Tam là Thủ từ trông coi đền Tô Hiến Thành từ năm 2008 cho biết: “Thời điểm tôi lên trông coi, đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngói và rui mè của đền đã bị sụt gãy, dẫn đến dột nát. Khu trung đường và hậu cung của đền bị ngấm nước mưa. Khi biết đền sẽ được trùng tu, tôn tạo lại, nhân nhân TP. sầm Sơn chúng tôi rất phấn khởi”. Tin rằng, sau khi hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo, đền Tô Hiến Thành sẽ trở thành một trong những điểm đến tâm linh cho du khách mỗi khi về với thành phố biển Sầm Sơn.

Hiền Minh