Căn hộ kinh doanh dịch vụ Airbnb thuộc diện bị cấm?

00:00 12/10/2020

Căn hộ kinh doanh dịch vụ cho thuê ở ngắn ngày được cho là bị nghiêm cấm đang gây ra nhiều băn khoăn mà xuất phát điểm là từ một công văn của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng nói “nghiêm cấm”

Nguồn cơn của vấn đề là kiến nghị của cử tri TPHCM do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Xây dựng theo công văn số 288/BDN, với nội dung: “Cử tri kiến nghị xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể; do hiện nay việc quản lý loại hình cho thuê này hết sức khó khăn; nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao”.

Mới đây, với Công văn 4757/BXD-QLN, Bộ Xây dựng đã trả lời tập trung vào một số vấn đề xung quanh loại hình kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày.

Theo Bộ Xây dựng, tại Điều 6 của Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định nghiêm cấm việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở.

Liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư, tại Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, theo đó các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; gây tiếng ồn quá mức quy định của pháp luật hoặc xả rác thải, nước thải, chất độc hại không đúng quy định của pháp luật…

Từ căn cứ trên, Bộ Xây dựng cho rằng pháp luật về nhà ở đã có quy định với hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở như kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Hàng ngàn cơ sở cho thuê Airbnb vi phạm?

Theo cách giải thích tại Công văn 4757/BXD-QLN của Bộ Xây dựng, tất cả những căn hộ chung cư đang kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày đều thuộc diện bị cấm. Tuy nhiên, ở đây, dịch vụ cho thuê theo giờ và cho thuê ngắn ngày (điển hình và phổ biến hiện nay chính là căn hộ/phòng Airbnb) không hoàn toàn giống nhau.

Căn hộ chung cư cho thuê theo giờ, có thể khẳng định rằng hoàn toàn không phải dùng để ở, mà để sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, trong khoảng thời gian một vài giờ.

Song với căn hộ cho thuê ngắn ngày, câu hỏi đặt ra là có phải sử dụng cho mục đích không phải để ở hay không lại gây ra nhiều băn khoăn.

Theo luật sư Lê Ngọc Lam Điền – Trưởng Văn phòng luật Li và đồng sự (Đoàn Luật sư TPHCM), về ngữ nghĩa thì “ở” là động từ, cho nên việc thuê ngắn ngày (Airbnb) chính là để "ở".

Vấn đề khác nhau là ở ngắn ngày hay ở dài ngày, ở lâu dài. Khác nhau về thời gian sử dụng nhưng mục đích sử dụng thì không hẳn khác nhau.

Ngay trong Luật Nhà ở 2014, tại Điều 3 “Giải thích từ ngữ” cũng không có định nghĩa rõ khái niệm “ở” trong phạm trù “nhà ở” là như thế nào.

Theo một báo cáo có tên “Homesharing Vietnam Insights” của Outbox Consulting công bố cuối tháng 5.2019, từ năm 2015-2019, số lượng phòng Airbnb tại Việt Nam lên đến 40.804 cơ sở.

Dịch vụ phòng Airbnb tại các chung cư hầu hết có thời hạn thuê chỉ vài ngày, quen gọi là ngắn ngày, có thể sẽ phải đối mặt với việc bị cấm?

THẾ LÂM