Cá tra có về đích "an toàn" trong 2020?

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp cá tra vẫn chưa thể trở lại “thời bình” với kim ngạch xuất khẩu ảm đạm. Mọi chuyện được trông chờ vào sự khởi sắc của quý III/2010.

Hiện tại, cá tra vẫn trong tình trạng ách tắc đầu ra, nhất là thị trường Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, giá cá giảm sâu kéo dài, có nguy cơ kéo dài đến hết năm. Bắt đầu từ năm 2019 đến nay, giá cá vẫn chỉ quanh quẩn 18.000-18.500 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.500 đồng/kg trở lên.

“Kẹt” thị trường xuất khẩu

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, điều này cũng là một trong những nguyên nhân lớn tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Cũng theo Vasep, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý II/2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 3,5 tỉ USD, giảm 10,5% so cùng kỳ 2019. Hầu hết các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đều sụt giảm, trong đó cá tra giảm mạnh nhất với 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 612,3 triệu USD. Tổng xuất khẩu cá tra 6 tháng đạt trên 659 triệu USD, giảm 31,5%.

Ảnh:

Ảnh:congthuong.vn

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, dẫn đến diện tích nuôi mới, thu hoạch và sản lượng đều giảm so cùng kỳ 2019. Giá cá tra thương phẩm ở mức dưới giá thành kéo dài, người nuôi lỗ nặng, buộc phải “treo ao” hoặc cho ăn cầm chừng. Doanh nghiệp hiện khó khăn về vốn, nợ xấu, lượng hàng tồn kho tăng…

Ở góc độ doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều đang chịu tác động lớn vì hầu hết các thị trường đều đang khó khăn. Chia sẻ với báo chí, ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cho biết ngành thủy sản năm 2020 chịu tác động kép khi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn làm thiếu hụt nước ngọt khiến tình hình nuôi bị động, không duy trì được sản lượng, thời gian nuôi. Mặt khác, giá cả lại giảm liên tục khiến người nuôi cũng khó khăn.

Không chỉ có Caseamex mà nhiều doanh nghiệp phải dừng, lùi thời gian đơn hàng, không liên lạc được với đối tác bởi việc hạn chế, cấm cảng ở một số nước châu Âu hay Nam Mỹ… Hàng hóa bị ùn ứ nhiều ở cảng, ảnh hưởng đến thanh toán, ách tắc dòng vốn của doanh nghiệp.

Mỹ là thị trường “đầu tàu”, nếu cá tra vào Mỹ có giá cao thì các thị trường khác cũng sẽ tăng giá theo, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông chia sẻ với báo chí.

Chưa có dấu hiệu khởi sắc cho cuối năm

Một số thị trường chính của cá tra vẫn là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu thì gần như đều đang khó khăn vì dịch bệnh. Trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6.2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đột ngột chững lại và giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái do một số cảng Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu các lô hàng thủy sản vì lo ngại về nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Hơn thế, nhiều siêu thị ở phía Bắc Trung Quốc vẫn chưa bán lại như trước. Điều này cũng tác động ngược trở lại giá xuất khẩu sang thị trường này trong mấy tuần lễ nay. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông giảm 11,3%.

Mỹ giảm 51,2%. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam, chiếm tỷ lệ 15,6% tổng xuất khẩu cá tra, đạt 95,5 triệu USD (tính đến nửa đầu tháng 6.2020), giảm 24,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình dịch bệnh COVID-19 tác động lớn tới hoạt động thương mại, kinh doanh tại thị trường này. Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khả quan tại thị trường này.

Ảnh:

Ảnh: vietnamplus.vn

Xuất khẩu sang ASEAN và EU cũng giảm mạnh, lần lượt 57,6% và 36,2% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường ASEAN trong gần 6 tháng đầu năm nay vẫn giảm sút tới 36,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng trưởng âm đã có dấu hiệu chậm dần. Tính tới nửa đầu tháng 6.2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 64,6 triệu USD. Cho tới nay, các doanh nghiệp vẫn chưa thể mong mỏi vào việc xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng trưởng dương như năm trước.

Singapore và Anh là hai thị trường đặc biệt trong mùa COVID-19 này, trong khi hầu hết giá trị xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu lớn đều bị ảnh hưởng tới mức tăng trưởng khó khăn mãi ở mức âm thì giá trị xuất khẩu sang hai thị trường này sáng sủa hơn. Tính đến 15.6, giá trị xuất khẩu cá tra sang Singapore, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của cá tra Việt Nam tại ASEAN đạt 18,5 triệu USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Anh cũng đạt 28,6 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Vasep, bức tranh chung của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong hai quý đầu năm 2020 chưa thực sự sáng sủa do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lạc quan hi vọng rằng, kể từ quý III/2020, hoạt động giao thương sẽ ổn dần ở một thị trường, trong đó có hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ.

Minh Anh