"Bẫy khởi nghiệp" với người đã có kinh nghiệm

00:00 12/10/2020

Khởi nghiệp có thật sự chỉ khó với những người trẻ, thiếu kinh nghiệm quản trị?

Chuyên môn cao, đảm trách các vị trí quản lý nhiều năm tại tổ chức lớn, nhưng khi đứng ra “lèo lái” doanh nghiệp của riêng mình, không ít cựu lãnh đạo vẫn gặp lúng túng. Chuyên gia tư vấn xây dựng hệ thống vận hành Nguyễn Thanh Hà đã chỉ ra những cái “bẫy” với nhóm này.

Quên mất vị thế mới

Tại môi trường mới, nhà quản lý giờ đây phải lãnh đạo nhiều bộ phận hơn, chứ không đơn thuần là một lĩnh vực, hay một bộ phận như trước. Nhiệm vụ một đơn vị chức năng chỉ có phạm vị nhất định, nhưng nhiệm vụ của tổ chức thì gồm nhiều chức năng cấu thành, nên chủ doanh nghiệp không thể mặc “chiếc áo” của người quản lý nữa. Nhiều nhà khởi nghiệp quên mất điều này, dẫn tới dùng phong cách quản lý bộ phận trước đây áp đặt lên toàn bộ hệ thống.

Bà Hà chia sẻ với Doanh Nhân về trường hợp công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thời trang của một cựu quản lý bán hàng từ công ty Tiger Việt Nam. Với chuyên môn bán hàng giỏi, việc xây dựng mô hình và chiến lược kinh doanh không mấy khó khăn, nhưng người chủ lại nôn nóng áp dụng phong cách quản lý của phòng bán hàng lên tất cả các bộ phận (nhà xưởng, văn phòng, nhà cung cấp,...): thường xuyên đòi hỏi kết quả ngay, đột ngột huy động nguồn lực nhằm đạt được mục đích doanh số. Quy trình cũng bị bỏ qua nhằm đạt được mục tiêu bán hàng. Phong cách quản trị nóng vội khiến các nhân viên bán hàng nghỉ việc liên tục, tâm lý ức chế lan rộng, quy trình hoạt động bị đảo lộn.

Quá tự tin với kinh nghiệm

Đảm nhiệm quản lý trong một thời gian dài khiến các nhà khởi nghiệp quá tự tin vào kiến thức về sản phẩm, dịch vụ. Mặc dù các ý tưởng khởi nghiệp của họ không bị viển vông như nhiều người trẻ, tuy nhiên cách một người chủ hiểu về sản phẩm của mình sẽ khác khách hàng. Công ty Jobtest của ông Nguyễn Công Thủy là một ví dụ. Có hơn 12 năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý và tư vấn nhân sự tại các công ty đa quốc gia và tập đoàn trong nước và từng thành công với một công ty về du lịch, ông Thủy thành lập Jobtest nhằm ứng dụng công nghệ vào việc xây dựng, phát triển hệ thống nhân sự. Sản phẩm độc đáo, ý tưởng được đánh giá cao, đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khởi nghiệp; lại có kinh nghiệm, có dự báo thị trường và khảo sát thực tế, nên ông Thủy rất tự tin. Tuy nhiên, không phải lúc nào hiện thực cũng chiều lòng kế hoạch. Trả lời phỏng vấn trên website Vietnambiz.vn, ông Thủy nói rằng Jobtest bị từ chối rất nhiều vì khách hàng chưa có lòng tin vào sản phẩm mới. Có trường hợp phải trải qua hơn một tháng ròng rã các buổi tư vấn, họp, trao đổi; thậm chí, khi đã ký được hợp đồng, đội kỹ thuật của Jobtest còn được yêu cầu phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống theo ý muốn của khách. Ông Thủy thừa nhận rằng dù đã lường trước nhưng vẫn bị bất ngờ trước muôn vàn khó khăn từ nhiều phía khi bước chân vào con đường khởi nghiệp.

Chủ quan về điểm mạnh chuyên môn

Việc sở hữu những kiến thức sâu rộng về ngành, đồng thời hoạt động trong một lĩnh vực lâu năm khiến nhà quản lý chủ quan về chuyên môn, mà không chú ý đến điều kiện nguồn lực đáp ứng. Từng là giám đốc nhân sự tại các tập đoàn lớn, câu chuyện của ông Nguyễn Công Thủy cũng là một bài học đáng nhớ. Rất tự tin về khả năng phân loại, thu hút ứng viên, nhưng điều ông Thủy chưa tính đến là uy tín của công ty. Trước đây ở vai trò tuyển dụng nhân sự tại các công ty lớn, ông có “quyền sinh quyền sát” và thoải mái lựa chọn. Còn giờ đây, công ty nhỏ và chế độ phúc lợi không thể bằng các tập đoàn ông từng làm việc, nên có giai đoạn ông Thủy phỏng vấn 5-7 người mà không ai dám nhận vị trí giám đốc kinh doanh. Với các công ty khởi nghiệp, tương lai của các nhân viên trở nên bất định, và ít người có đủ can đảm để cùng người sáng lập lèo lái trong giai đoạn đầu. Chính vì hiệu quả công tác tuyển dụng thấp, nên chi phí và thời gian đào tạo cho nhân viên càng tăng, khó chồng thêm khó.

Theo ông Ninh Văn Giang, Tổng giám đốc công ty chuyên kinh doanh máy lọc nước Euromade, người từng đảm trách vai trò trưởng phòng kinh doanh ngành hàng thực phẩm tại công ty Unilever, “trong môi trường của các tập đoàn lớn, bạn dù giỏi, cũng chỉ là một toa trong một đoàn tàu, hay một hạt cát trên sa mạc. Nếu khởi nghiệp chỉ với hành trang là kinh nghiệm từ các tập đoàn, khả năng thất bại là rất cao”. 

Nguyễn Thanh Hà