Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc gặp khó đỉnh điểm dịp tết Nguyên đán

10:59 05/12/2021

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu rau quả ít nhất 6 tuần trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Xuất khẩu ách tắc, tăng trưởng chững lại

Phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kết nối cung- cầu cây ăn trái" do Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức sáng nay 4/12/2021, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: “Theo thông tin mới nhận được, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu rau quả ít nhất 6 tuần trong dịp tết Nguyên đán sắp tới. Điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”. Vì vậy ông Đặng Phúc Nguyên mong muốn đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ nội địa trong thời gian tới.

Một khó khăn khác được ông Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, liên kết hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng với đó là đàm phán nhằm mở rộng danh sách các mặt hàng rau quả được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng bày tỏ sự lo ngại khi thời gian tới Trung Quốc sẽ ngừng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả đúng vào dịp mùa vụ thu hoạch trái cây rộ nhất tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Tính đến dịp tết Nguyên đán sắp tới, sản lượng trái cây cả nước có thể đạt hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ, bởi có thể sẽ ách tắc đôi chút ở thị trường Trung Quốc”.

Sản xuất theo tiêu chuẩn nhà nhập khẩu

Bà Vũ Kim Hạnh phân tích, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng bậc nhất của Việt Nam, cần sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thị trường Trung Quốc yêu cầu, trong đó có GlobalGAP.

“Hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP, đó là LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin thêm.

Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho biết, đến nay đã có 120 doanh nghiệp nông sản được trao chứng nhận LocalGAP. Các địa phương Bến Tre, Lâm Đồng, Nghệ An cũng đã ký hợp đồng để Hiệp hội tư vấn về tiêu chuẩn LocalGAP tới các hợp tác xã (HTX) trái cây của tỉnh.

“Chúng tôi đang xây dựng những chương trình tư vấn cho các HTX về LocalGAP với mức phí thấp, thậm chí là miễn phí cho các hộ kinh doanh khó khăn. Mục tiêu của Hiệp hội là tạo dựng một “chìa khóa”, một “tấm giấy thông hành” để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường xuất khẩu quốc tế với tiêu chuẩn LocalGAP”, bà Hạnh nói.

Từ góc độ doanh nghiệp xuất khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, thị trường Trung Quốc đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu. Có thể nói đây là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp, các địa phương và các doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh nông sản.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi Công ty Chánh Thu tham gia xây dựng mã số vùng trồng cho quả sầu riêng, nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ để người nông dân làm việc với doanh nghiệp. Đây là quan điểm sai lầm, cần thay đổi từ các địa phương.

“Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các đầu mối để có thể thu mua được các sản phẩm đồng đều, ổn định về cả chất lượng và sản lượng”, bà Vy nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị cần xây dựng thêm bộ tiêu chuẩn chất lượng để rau quả Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa.

Ở góc độ truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng, theo ông Tùng, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành hơn nữa với doanh nghiệp, nông dân.

“Đây là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý như Sở NN&PTNT, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp. Đây còn là việc xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra vùng đặc thù, điểm đặc biệt để kêu gọi doanh nghiệp tham gia tiêu thụ”, ông Tùng nói.

 Theo TCHQ