Xuất khẩu nông sản sang Nhật: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

09:53 26/05/2023

Trong các FTA, Nhật Bản đều cam kết xóa bỏ thuế quan hoàn toàn cho đại đa số các sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành hàng nông thủy sản - lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Ảnh minh họa
Vải thiều Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái làm cho đồng yên mất giá, lạm phát tăng khiến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm tiêu dùng thiết yếu tại Nhật Bản tăng cao, người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm nhập khẩu có giá thấp hơn nhưng có chất lượng tương tự hàng trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng và chi tiêu. Đồng thời, việc là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Nhật Bản tham gia ký kết như Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc thâm nhập thị trường Nhật Bản khi các doanh nghiệp có thể cân nhắc chọn lựa FTA phù hợp với khả năng để áp dụng ưu đãi về thuế. Cũng trong các FTA này, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan hoàn toàn cho đại đa số các sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, tạo điều kiện cho ngành hàng nông thủy sản - là lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam mà từ trước đến nay vẫn đối mặt với sự bảo hộ cao của Nhật Bản.

Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm

Đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục thâm nhập và chinh phục thị trường Nhật Bản trong lĩnh vực nông, thủy sản và các sản phẩm chế biến khi mà theo các chuyên gia từ Nhật Bản, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận. Riêng nhóm hàng nông sản, thực phẩm, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn với nhóm sản phẩm này nhập khẩu từ nước ngoài bao gồm: Cá và sản phẩm chế biến từ cá; tôm, lươn, thịt, đậu nành, cà phê… đây đều là các sản phẩm mà Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về sản xuất, có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,3% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản sang Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt kim ngạch 1,68 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2021 với các mặt hàng chủ yếu là: hàng thủy sản (đạt 1,27 tỷ USD, tăng 33%); cà phê (đạt 215,5 triệu USD, tăng 27,7%); hàng rau quả (đạt 127,9 triệu USD, tăng 6,3%); hạt điều (đạt 37,2 triệu USD, giảm 15,4%); hạt tiêu (đạt 15,2 triệu USD, tăng 116%). Một số mặt hàng trái cây của Việt Nam cũng đã có tiếng trên thị trường Nhật Bản như thanh long, chuối, dừa, vải…

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều siêu thị Nhật Bản cũng hướng tới nhập khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm có chất lượng tốt với giá thành hợp lý từ Việt Nam như cá tra, thịt gà, tôm, xoài, chuối, thanh long và các sản phẩm đông lạnh khác, tiêu biểu có thể kể đến Tập đoàn AEON - hiện là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ Nhật Bản lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước - đang có nhu cầu nhập khẩu chuối với khối lượng không giới hạn, miễn là các đối tác Việt Nam có thể đáp ứng, đảm bảo chất lượng.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế lớn, song trên thực tế đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng và khai thác được những lợi thế nêu trên vì một số lý do sau:

Việc tham gia vào các FTA nói trên cũng đưa ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe được đưa ra trong các FTA đó như phải quản lý được xuất xứ hàng hóa; nhãn mác sản phẩm phải ghi rõ các thành phần chính, thành phần dễ gây dị ứng và tuân thủ các quy định trong luật hiển thị sản phẩm, luật ghi nhãn cao cấp, luật tái chế bao bì, luật khuyến khích sử dụng các nguồn lực; đặc biệt phải đảm bảo có đầy đủ các tài liệu chứng minh đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của phía Nhật Bản… Người Nhật Bản có ý thức bảo vệ sức khoẻ cao, đòi hỏi khó tính, nhất là độ tươi, ngon của sản phẩm. Đồng thời rất nhạy cảm với sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nên Chính phủ Nhật Bản đã ban hành nhiều quy định nhằm đảm bảo dư lượng kháng sinh trên hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm, chú trọng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Riêng trong năm 2022, số vụ hàng xuất khẩu trong ngành nông thủy sản của Việt Nam bị Nhật trả về là 90 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 (54 vụ). Phần lớn hàng bị trả do các vi phạm về chất lượng như tồn dư chất cấm, không đảm bảo an toàn thực phẩm… 

Các doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin về nhu cầu của thị trường Nhật Bản. Một trong số những ví dụ cụ thể về nhu cầu chính là việc nhập khẩu chuối, cụ thể chuối nhập khẩu từ Việt Nam được người tiêu dùng tại Nhật Bản ưa chuộng bởi có chất lượng thơm ngon hơn so với chuối Philippines. Tuy nhiên theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, năm 2022 chuối Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản chỉ đạt hơn 7 triệu USD, chiếm chưa đầy 1% thị phần nhập khẩu chuối của Nhật Bản. Mặt hàng chuối tươi và sấy khô mỗi năm Nhật Bản bỏ ra tới 981 triệu USD nhập nhưng Việt Nam chỉ chiếm 0,6% thị phần, tương đương kim ngạch xuất khẩu 6,6 triệu USD.

Xuất phát từ tập quán thương mại, hầu hết nhà nhập khẩu Nhật Bản chỉ ưu tiên nhập sản phẩm và phân phối dưới tên thương hiệu Nhật Bản. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không quảng bá được thương hiệu riêng và gia tăng giá trị trên sản phẩm. Thương vụ Việt Nam cũng cho biết hiện có khá nhiều sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, tuy nhiên chỉ mới chủ yếu phục vụ cho cộng đồng người Việt tại Nhật mà chưa mở rộng được đến các kênh phân phối lớn như hệ thống siêu thị để tiếp cận người Nhật bản địa. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu chỉ hướng tới nhóm khách hàng là người Việt tại Nhật Bản thì rất nhanh chóng đạt đến độ bão hòa và khó nâng cao giá trị xuất khẩu.

Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2023: Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, với tầm nhìn tương lai 30, 50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản đang đồng thời là thành viên và vượt qua được những thách thức nêu trên thì trong tương lai gần, những thương hiệu Việt Nam sẽ ngày càng có chỗ đứng và đi được xa hơn trên trường quốc tế.

Phương Linh