Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 8/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 8/2023 tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới 60,58 nghìn tấn, trị giá 333,83 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 9,7% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 tăng 29,2% về lượng và tăng 21,8% về trị giá.
Bứt phá tại thị trường Mỹ
Lũy kế 8 tháng của năm 2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt gần 395,6 nghìn tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 11,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.760 USD/tấn, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính trong 8 tháng, xuất khẩu điều sang thị trường Mỹ đạt 102.700 tấn, trị giá 662 triệu USD – trở thành thị trường lớn nhất của xuất khẩu điều Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc thu về gần 361 triệu USD tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu điều sang hầu hết các thị trường chủ lực khác như Đức, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ả rập Xê út đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, xuất khẩu hạt điều sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Ả rập Xê út tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt ở mức 46,6% và 40,1%. Đặc biệt, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng 148,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường còn lại cũng ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
Xuất khẩu điều từng lập kỷ lục về giá trị vào năm 2021, với 3,63 tỷ USD. Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số một thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu. Năm 2023, Hiệp hội Điều việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,1 tỷ USD, tăng 20 triệu USD so với năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát tăng cao, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới giảm nhập khẩu hạt điều, ảnh hưởng tiêu cực lên ngành điều toàn cầu nói chung, trong đó có Việt Nam.
Dự báo quý 3 và quý 4/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ nhích lên nhờ yếu tố chu kỳ và nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ, EU tăng phục vụ tiêu dùng các dịp lễ cuối năm. Với kết quả xuất khẩu đến thời điểm này đang tăng trưởng cao, gần như chắc chắn xuất khẩu điều cả năm sẽ vượt mục tiêu 3,1 tỷ USD đề ra từ đầu năm, dự báo có thể đạt 3,3 tỷ USD, tuy nhiên chưa thể lấy lại mốc kỷ lục
Ngành điều vẫn nhiều thách thức
Xuất khẩu điều đang thuận lợi, thị trường hạt điều toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027. Xu hướng toàn cầu đang ưa chuộng chế độ ăn thuần chay và thực vật, ưu tiên các nguồn protein thay thế, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các loại hạt và thực phẩm chế biến từ hạt, trong đó có hạt điều.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, ngành điều Việt Nam sau hơn 40 năm hình thành và phát triển đã có bước tiến dài. Từ chỗ mày mò học hỏi thiết bị công nghệ chế biến điều của nước ngoài, giờ đây đã trở thành nước làm chủ công nghệ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm tới hơn 75% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới.
"Thành công của ngành điều chính là có công nghệ chế biến hiện đại, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ ưu việt, hiệu quả, giúp tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu của khách hàng quốc tế", ông Nhựt nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, hiện ngành điều vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; nguồn cung hạt điều thô mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, trong khi 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, châu Phi. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh chưa chặt chẽ; nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.
“Một nghịch lý là trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới thì những năm gần đây, lượng nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam để làm thêm một vài công đoạn rồi xuất khẩu lại tăng nhanh. Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước”, ông Nhựt nhấn mạnh.
Một vấn đề “nổi cộm” của ngành điều là trong năm vài năm trở lại đây, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu liên tục gặp sự cố lừa đảo. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, thông thường khi xuất khẩu, các doanh nghiệp phải thực hiện giao dịch qua LC (thư tín dụng thanh toán). Đây là giao dịch đảm bảo sự an toàn, bởi người mua phải có trách nhiệm yêu cầu ngân hàng ký phát ra một thư tín dụng để cam kết thanh toán cho bên bán. Sau khi LC được phát hành, phía nhà nhập khẩu phải ký quỹ 100% trị giá hoặc một số tiền tương ứng tại một thời điểm cụ thể để đảm bảo nhà xuất khẩu được thanh toán đúng hợp đồng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đều gặp khó vì phía đối tác thường giao dịch số lượng lớn và không muốn phối hợp giao dịch, ký quỹ. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận ký hợp đồng không cần đối tác ký quỹ, mà ủy thác cho ngân hàng ở nước của đối tác nhập khẩu nhận tiền thanh toán, rồi giao hồ sơ lô hàng cho đối tác ra cảng nhận hàng. Dẫn đến dễ dàng bị lừa ngay cả hồ sơ đến ngân hàng phía người mua, khi ngân hàng đó cấu kết với đối tác mua hàng để lừa đảo.
Số vụ lừa đảo xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Với tình hình hiện nay, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo doanh nghiệp cần chọn lọc đối tác để bán hàng. Đối với khách hàng mới, doanh nghiệp xuất khẩu nên trao đổi với Hiệp hội Điều Việt Nam để phối hợp với thương vụ Việt Nam tại nước sở tại thẩm định năng lực, cũng như thông tin khách hàng để đảm bảo đó là giao dịch an toàn.
Về giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững, theo ông Nhựt, các doanh nghiệp ngành điều, cần phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của “người tiêu dùng cuối cùng”.
Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến điều cần chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, để có nguồn nguyên liệu chưa ổn định. Qua đó, giảm sự lệ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh cho điều chế biến xuất khẩu của nước ta.
P.V