Chưa rõ đâu là tài sản tranh chấp
Tranh chấp tài sản đang là vấn đề phức tạp, gây khó khăn nhất đối với các TCTD trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) nếu không có quy định rõ ràng. Về vấn đề này, Nghị quyết 42 quy định: “TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án, cho dù đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại tòa án có thẩm quyền; không đang bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Thế nhưng, hiện chưa có hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định TSBĐ nào đang tranh chấp khi xử lý theo Nghị quyết 42.
Ảnh minh họa.
Nghị quyết 42 cho phép TCTD được quyền thu giữ TSBĐ để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, trên thực tế khi khách hàng không hợp tác bàn giao TSBĐ, chống đối khi tiến hành thu giữ, TCTD vẫn phải khởi kiện khách hàng ra tòa án có thẩm quyền để được quyền xử lý TSBĐ thông qua thi hành án.
Nguyên nhân do Nghị quyết 42 không quy định cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế, yêu cầu/buộc người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản phải bàn giao tài sản như cơ quan thi hành án.
Theo quy định tại Nghị quyết 42, các TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ, đi kèm với điều kiện trong hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ TSBĐ. Trong khi đó, các hợp đồng bảo đảm được ký kết trước thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực không quy định nội dung này.
Do vậy, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ TSBĐ theo quy định trên, các TCTD phải đàm phán với bên vay điều chỉnh lại hợp đồng, nhưng khách hàng thường không hợp tác (không ký). Vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện thu giữ TSBĐ theo Điều 7 Nghị quyết 42.
Luật thông, lệ tắc
Về thứ tự ưu tiên thu nợ, thanh toán nghĩa vụ nộp thuế sau khi xử lý TSBĐ. Theo quy định tại Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ của các TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm.
Tuy nhiên, ngành thuế nhiều địa phương vẫn yêu cầu bên nhận bảo đảm/bên nhận chuyển nhượng phải đóng thay tiền thuế thu nhập cho bên bảo đảm mới thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, sang tên trước bạ.
Việc áp dụng thủ tục xét xử rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại tòa án cũng gặp nhiều vướng mắc. Tòa án Nhân dân tối cao đã có nghị quyết hướng dẫn thực hiện đối với trường hợp này, nhưng việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của tòa án rất khó khăn.
Đơn cử, việc thực hiện quy định, về xác nhận công nợ, tài liệu nơi cư trú của người bị kiện, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với TCTD để phối hợp xử lý, khiến việc xác nhận này rất khó thực hiện.
Điều 14 Nghị quyết 42 quy định việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD, nhưng chưa quy định việc hoàn trả TSBĐ là tang vật của các vụ việc hành chính. Trên thực tế xảy ra nhiều vụ TSBĐ là phương tiện vận tải bị công an tịch thu, tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính, vi phạm luật giao thông.
Các cơ quan nhà nước không hoàn trả TSBĐ này cho TCTD do thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức xử lý bán đấu giá TSBĐ là tang vật theo quyết định xử lý vi phạm hành chính. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản này không chuyển cho TCTD, đã gây thiệt hại cho các NH, TCTD trong xử lý nợ xấu và TSBĐ.
Trong khi đó, TCTD thực hiện quyền thu giữ tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 42, khi bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao TSBĐ theo yêu cầu của TCTD. Theo đó, khi tiến hành thu giữ tài sản, chủ tài sản bất hợp tác, chống đối hoặc không có mặt theo thông báo, TCTD lập Biên bản thu giữ TSBĐ có sự chứng kiến và ký biên bản của đại diện UBND nơi tiến hành thu giữ TSBĐ theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 7 của Nghị quyết 42. Biên bản này có giá trị tương đương và có thể thay thế cho văn bản bàn giao tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chưa quy định thành phần hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp TCTD thực hiện quyền thu giữ TSBĐ để xử lý tài sản thế chấp.
Vì thế, các văn phòng đăng ký đất đai không chấp nhận biên bản thu giữ TSBĐ, từ chối việc đăng ký biến động cho người mua tài sản thế chấp. Việc khó khăn trong sang tên tài sản nói trên khiến cá nhân, tổ chức có nhu cầu không muốn mua tài sản do TCTD thu giữ, phát mại theo quy định của Nghị quyết 42, dẫn đến làm chậm trễ quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD.
Trí Dũng