Thứ ba 17/09/2024 19:02
Hotline: 024.355.63.010
Pháp luật

Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan xin tòa miễn án phạt cho chồng, cháu ruột

02/04/2024 10:07
Chiều 1/4, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với phần bào chữa bổ sung của các bị cáo.
aa

Ảnh minh họa
Các bị cáo tại phiên tòa (ngày 1/4). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN.

Là bị cáo bào chữa bổ sung đầu tiên, Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho biết, trong phần đối đáp, Viện Kiểm sát vẫn giữ quan điểm cho rằng bị cáo có biểu hiện quanh co, chối tội, đổ tội cho cấp dưới… Tuy nhiên, Trương Mỹ Lan tự nhận thấy trong quá trình làm việc với cơ quan công an và xét hỏi tại tòa, bị cáo đã thừa nhận vai trò là cổ đông lớn của SCB. Đồng thời, bị cáo đã nghiêm túc nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của bản thân với tư cách là cổ đông của SCB, cũng như nhận thức rõ sai phạm của một số thành viên Hội đồng Quản trị SCB. Tại tòa, bị cáo luôn tôn trọng lời khai, thậm chí xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho các bị cáo là nhân viên tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; không quanh co, đổ tội cho họ. Trương Mỹ Lan chỉ xin Hội đồng xét xử phân định vai trò giữa bị cáo và các bộ phận có liên quan tại SCB.

Trương Mỹ Lan cũng xin Hội đồng xét xử xem xét lại việc bị cáo tham gia quá trình tái cấu trúc SCB là theo lời đề nghị từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như các khó khăn trong quá trình tái cơ cấu SCB. Theo Lan, bị cáo và người quen đều tin tưởng SCB, mong muốn SCB ổn định và niêm yết trên thị trường chứng khoán nên bị cáo mới cho mượn tài sản đảm bảo để tái cơ cấu; kêu gọi cổ đông nước ngoài giúp SCB nhằm bảo đảm tỷ lệ chi phối 65% cổ phần.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, nếu nhìn lại quá trình hoạt động của SCB trước và sau tái cấu trúc thì sẽ thấy hoạt động của SCB hơn 10 năm sau hợp nhất không sử dụng kinh phí của Nhà nước. Trước khi vụ án xảy ra, Ngân hàng SCB đang hoạt động bình thường; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào với số tiền rất lớn cho các dự án như Dự án Mũi Đèn Đỏ đến khi bị ngừng lại do bị cáo bị bắt. Việc này khiến bạn bè và người thân của Lan mất niềm tin nên mới xảy ra tình trạng rút tiền ồ ạt sau đó.

Trương Mỹ Lan cho biết, hầu hết tài sản có giá trị của bị cáo, của gia tộc và bạn bè đều đưa vào SCB để làm tài sản đảm bảo. Xảy ra vụ việc khiến gia tộc của bị cáo vừa mất tài sản, vừa phải gánh số nợ lớn; bản thân bị vướng vòng lao lý, đối diện với bản án tử hình.

Lan cũng nêu thắc mắc về việc các bị cáo trong vụ án đều có phương thức thực hiện hành vi tương tự nhau nhưng các bị cáo khác được xác định là “đồng phạm” với Lan thì chỉ bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” còn bản thân bị cáo lại bị truy tố tội “Nhận hối lộ”. Theo Lan, bản chất của vụ án này là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” nên mong Hội đồng xét xử xem xét thấu đáo các quan điểm bào chữa của luật sư về yếu tố cấu thành tội “Nhận hối lộ” của bị cáo.

Trương Mỹ Lan trình bày thêm, trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo xác định người thân và bạn bè sở hữu phần lớn cổ phần tại SCB nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xác định số cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tại SCB là bao nhiêu, mục đích là để làm rõ số cổ phần thực tế mà bị cáo đang sở hữu tại SCB, bao gồm số lượng cổ phần của các pháp nhân nước ngoài tại SCB và Công ty Việt Vĩnh Phú.

Lan cũng mong Hội đồng xét xử thông qua phần bào chữa của các luật sư xem xét bản chất các khoản vay tại SCB trong hơn 10 năm qua là thực hiện đề án tái cơ cấu, cho vay mới trả nợ cũ, thực tế dòng tiền không ra khỏi SCB, dù có ra thì cũng quay lại để trả nợ. Bị cáo đề nghị tòa xem xét lại thiệt hại của vụ án do có nhiều khoản vay có tài sản định giá cao hơn dư nợ. Theo Lan, các khoản vay đều đúng quy định, nếu ai có hành vi chiếm đoạt tài sản SCB đều sẽ được cảnh báo.

Lan đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB về việc SCB phải huy động tiền để đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng, trong khi nguồn thu của ngân hàng rất hạn chế, bị cáo Văn phải nhờ Lan cho mượn tài sản đưa vào để tái cơ cấu.

Về số tiền thiệt hại của SCB, Lan xin Hội đồng xét xử xem xét xác định lại tính xác thực của các số liệu thống kê thiệt hại, cũng như xem xét các khoản chi phí hoạt động của SCB suốt 11 năm qua. Theo bị cáo, có 450 nghìn tỷ chưa được xem xét khấu trừ; việc tính lãi nhập vốn của các khoản vay cũng chưa được xem xét. Bị cáo cũng cho rằng, dư nợ tín dụng thực tế chỉ 390 nghìn tỷ chứ không phải 483 nghìn tỷ như cáo trạng truy tố, đề nghị xem xét lại số liệu này trong báo cáo thực thu thực chi sẽ rõ bị cáo có chiếm đoạt hay không.

Ngoài việc không thừa nhận các tội danh cáo buộc, bị cáo Trương Mỹ Lan còn xin Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo khi sử dụng tài sản nằm ngoài danh sách kê biên để khắc phục hậu quả của vụ án, bao gồm số tiền 5 tỷ đồng mà bị cáo đã nộp tháng 11/2023. Đồng thời, Trương Mỹ Lan cũng xin Hội đồng xét xử ghi nhận mong muốn của bị cáo chuyển 1.350 tỷ đồng sang cho bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái của Trương Mỹ Lan) và chuyển 300 tỷ đồng cho Chu Lập Cơ (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phẩn Đầu tư Times Square, chồng của Trương Mỹ Lan) để khắc phục hậu quả.

Trương Mỹ Lan cũng xin Hội đồng xét xử xem xét miễn giảm trách nhiệm hình sự với chồng và cháu gái. Theo Lan, Chu Lập Cơ tự nguyện cho bị cáo mượn tòa nhà Times Square (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) để giải quyết khó khăn của SCB nhưng lại bị liên đới đề nghị mức án 10-11 năm tù giam là quá nặng. Còn Trương Huệ Vân là cháu gái có mối quan hệ thân thiết với bị cáo Lan như con ruột, vì tin tưởng bị cáo Lan mà liên quan trách nhiệm hình sự nên Lan cũng xin tòa xem xét cho Huệ Vân được miễn trách nhiệm hình sự.

Các luật sư bào chữa cho Trương Mỹ Lan cũng cho rằng chưa đủ căn cứ quy buộc bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”. Bị cáo không có các dấu hiệu cơ bản cấu thành tội tham ô, bị cáo không phải là người có chức vụ tại SCB, không phải là chủ thể của tội tham ô. Theo luật sư, bị cáo Lan phải cấu thành một tội phạm khác.

Về tội 'Đưa hối lộ", theo luật sư, không có căn cứ chứng minh bị cáo Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước để sửa kết quả thanh tra mà đây chỉ là lời khai đơn phương của Văn. Về lời khai này cần phải xem xét đánh giá lại tính khách quan; theo đó, Văn khai vì lợi ích của chính bị cáo như luật sư đã trình bày trước đây, có sự mâu thuẫn trong chính lời khai của Văn về Nhàn.

Hồng Giang (TTXVN)

Tin bài khác
Yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo an toàn khi đưa lao động Việt sang Trung Đông

Yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo an toàn khi đưa lao động Việt sang Trung Đông

Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam khi làm việc tại Trung Đông.
Bình Thuận: Đẩy nhanh tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại dốc Hoàng Hôn

Bình Thuận: Đẩy nhanh tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại dốc Hoàng Hôn

Ngày 14/9, chủ đầu tư tại dốc Hoàng Hôn (khu phố 5, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) tiếp tục khẩn trương tiến hành tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Cảnh báo chiêu lừa đảo: Phái cử người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc

Cảnh báo chiêu lừa đảo: Phái cử người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc

Từ nay đến cuối năm 2024, sẽ không có kỳ thi tiếng Hàn mới, do đó người lao động muốn sang làm việc tại Hàn Quốc cần thận trọng với các đơn vị không uy tín.
Kem đánh răng, dầu gội của Unilever bị gắn vào nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam

Kem đánh răng, dầu gội của Unilever bị gắn vào nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam

Quảng cáo của một số nhãn hàng kem đánh răng, dầu gội thuộc Unilever Việt Nam đã bị đặt vào nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng xuyên biên giới.
Phú Thọ: Tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phú Thọ: Tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 8, Cục QLTT tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Phòng PA05- Công an tỉnh tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
lp-bank
tms-group
sanghai-fair
ubnd-xa-hoa-son