Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, tính đến 20-3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 5,45 tỉ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ.
Về việc vốn FDI đầu tư vào Việt Nam giảm trong 3 tháng đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra nguyên nhân do trong 3 tháng đầu năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Lego có tổng vốn đầu tư 1,32 tỉ USD.
Tuy nhiên, số dự án đầu tư mới và số lượt dự án điều chỉnh vốn trong 3 tháng năm 2023 vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, số dự án đăng ký mới đạt 522 dự án, tăng 62,1% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỉ USD.
Số lượt dự án điều chỉnh có 234 dự án, tăng 2,6% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,21 tỉ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỉ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 25% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD (chiếm gần 14,1%) và giảm 71,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các ngành bán buôn, bán lẻ; vận tải kho bãi thu hút vốn đầu tư tăng hơn so với cùng kỳ, xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 276 triệu USD và gần 151 triệu USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu 2023. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn gần 1,69 tỉ USD (chiếm gần 31%), Trung Quốc đứng thứ hai với gần 552 triệu USD (chiếm 10,1%), Đài Loan đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 477 triệu USD (chiếm gần 8,8%). Tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông, Hà Lan.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 3 tháng đầu năm 2023. Bắc Giang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký hơn 1,1 tỉ USD (chiếm gần 20,3%), tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đồng Nai đứng ở vị trí thứ hai với 18 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 607 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, TP.HCM, Hải Phòng,…
Tuy vốn đầu tư mới tuy không còn duy trì được mức tăng mạnh như trong 02 tháng đầu năm, song số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng so với cùng kỳ và tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam vừa đưa ra các quyết định đầu tư mới. Trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, có dấu hiệu các tập đoàn lớn cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 3 tháng.
Ngọc Phi (TH)