Từ năm 2015 đến nay, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh, đào tạo nghề mới cho gần 210 người lượt người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt gần 78% tổng số lao động.
Chất lượng hoạt động đào tạo nghề ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp, minh chứng là hơn 80% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đào tạo nghề khoảng 3 tháng đều có việc làm ổn định.
Đặc biệt,100% sinh viên theo học các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao được chuyển giao từ các nước Úc, Pháp, Đức khi ra ra trường đều có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo, được doanh nghiệp đánh giá tay nghề cao, bố trí ở các vị trí kỹ thuật, bộ phận cải tiến sản xuất, với mức lương trung bình 10-12 triệu đồng/người/tháng.
Các cơ sở GDNN tập trung phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng lao động đơn vị đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp.
Đồng thời, mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chương trình đào tạo. Các cơ sở GDNN thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ trang thiết bị đào tạo, cử cán bộ kỹ thuật tham gia giảng dạy thực hành tại cơ sở GDNN hoặc hợp đồng với cơ sở GDNN đặt địa điểm đào tạo tại doanh nghiệp, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị của doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng lao động sau đào tạo cho doanh nghiệp; tiếp nhận học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm, thực tập.
Việc gắn kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu để đảm bảo hoạt động GDNN sát với thực tiễn, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cũng như thị trường lao động.
P.V