VINASME hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận vốn

15:33 29/03/2024

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận vốn, các chuyên gia, diễn giả đã có nhiều chia sẻ gợi mở tại buổi tập huấn “Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), tăng cường khả năng tiếp cận vốn.

Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phối hợp với Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) triển khai chương trình sáng 29/3, tại Hà Nội.

TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME
TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS.Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME chia sẻ: “Xếp hạng tín nhiệm là một quá trình dài, VINASME nung nấu ý tưởng này bắt đầu từ thực tế doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có khoảng 30-40% tiếp cận được vốn tín dụng một cách tương đối dễ dàng. Chúng tôi có thể chưa dám thực hiện kế hoạch với mục tiêu tham vọng lớn nhưng muốn mở ra một hoạt động mới để bắt đầu bước vào quá trình xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Trên cơ sở đó làm tiền đề cho các tổ chức, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cùng chúng tôi làm để tạo nên một hướng mới. Để làm được việc đó thì rất khó, và một mình chúng tôi là không đủ sức. Vì thế năm 2023, VINASME có ký hợp tác chiến lược với Hiệp hội Kiểm toán Anh quốc. Và ngày hôm nay, ngoài sự hỗ trợ của ACCA, chúng tôi còn có cả sự hỗ trợ từ những chuyên gia hàng đầu. Với sự chuẩn bị như vậy, chúng tôi có thể đóng góp 1 phần vào câu chuyện tín nhiệm cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận vốn. Ý nghĩa của chương trình chính là hướng đến điều đó. Buổi ngày hôm nay, các chuyên gia sẽ nói về tín nhiệm doanh nghiệp, về các vấn đề thành tố liên quan ảnh hưởng đến tín nhiệm doanh nghiệp, về cả lý thuyết lẫn hành động”.

Là đơn vị đồng tổ chức, ACCA ra đời từ năm 1904, ACCA là một Hội nghề nghiệp quốc tế trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị lớn nhất và có tốc độ phát triển nhanh nhất trên toàn cầu, với hơn 526.000 học viên và 247.000 hội viên tại trên 180 quốc gia trên thế giới. ACCA cũng là một trong những Hiệp hội quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Trong chặng đường nhiều năm qua, ACCA luôn đồng hành cùng các sự kiện quan trọng trong ngành kế toán, kiểm toán và tài chính tại Việt Nam, như đóng góp vào quá trình soạn thảo Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Chiến lược Phát triển ngành kiểm toán, kế toán đến 2030 của Bộ Tài chính,…

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô ngày hôm nay và toàn cầu đang trải qua thời kỳ thay đổi biến động phức tạp nhất, khối các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khơi nguồn đổi mới. Tuy nhiên, môi trường tài chính phức tạp có thể gây ra những thách thức đáng kể cho các doanh nghiệp ngày nay. Nhận thức được điều này, ACCA đã thiết kế một chương trình hỗ trợ căn bản nhằm trang bị kiến thức cho doanh nghiệp và những phương hướng để phát triển cạnh tranh hơn trong bối cảnh thị trường ngày càng hội nhập quốc tế.

ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam
Ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam chia sẻ tại Chương trình.

Tại Chương trình, ông Tô Quốc Hưng – Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam chia sẻ: “Hôm nay, được sự hỗ trợ của VINASME, ACCA hân hạnh để đồng hành tổ chức chương trình tập huấn xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường khả năng tiếp cận vốn. Chương trình tập huấn ngày hôm nay nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp của ACCA, thể hiện cam kết lâu dài trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hưng cho biết thêm: “Trong quá trình chúng tôi phối hợp với các Hiệp hội, cụ thể là Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng. Hôm nay chúng tôi đã cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức diễn đàn để các bên cùng chia sẻ quan điểm. Ví dụ, câu hỏi làm cách nào để tháo gỡ vấn đề tiếp cận vốn thì phía Ngân hàng sẽ đưa ra quan điểm. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ có thêm quan điểm từ phía Xếp hạng tín dụng và chúng ta cũng được ghi nhận quan điểm từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cũng như nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp. Và khi tất cả các bên có cơ hội ngồi cùng nhau thì tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra được nút thắt và tháo gỡ những vướng mắc hiện tại. Đó là một trong những mong muốn, mục tiêu và kì vọng của chúng tôi khi tổ chức diễn đàn ngày hôm nay”.

ThS. Trần Văn Hiển – Phó Trưởng ban đào tạo VINASME
ThS. Trần Văn Hiển – Phó trưởng Ban Đào tạo VINASME.

Cũng tại chương trình, đại diện nhóm nghiên cứu, ThS. Trần Văn Hiển – Phó trưởng Ban Đào tạo VINASME đã trình bày những khó khăn của DNNVV khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bao gồm: Không có tài sản đảm bảo; có tài sản đảm bảo nhưng giá trị tài sản thấp, tỷ lệ được vay trên giá trị tài sản đảm bảo thấp; vay tín chấp rất khó để tiếp cận; cho vay dựa trên dòng tiền và chu kỳ vốn lưu động cũng không khả thi; dự án có tính khả thi thấp; báo cáo tài chính thiếu tin cậy; chưa có kế hoạch kinh doanh và tự báo tài chính 3-4 năm.

“Việc xếp hạng tín nhiệm đã có từ rất lâu, nhưng việc xếp hạng trước giờ chỉ đối với doanh nghiệp lớn, được niêm yết trên sàn chứng khoan chứ đối tượng DNNVV thì chưa tổ chức nào đứng ra để xếp hạng. Vì vậy, trước thực tiễn đó, ngày hôm nay VINASME cùng ACCA và một số tổ chức khác đã phối hợp tổ chức Chương trình Tập huấn Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa – tăng cường khả năng tiếp cận vốn”, ông Hiển nhận định.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai Nguyễn Thị Bích Hạnh
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai - bà Nguyễn Thị Bích Hạnh.

Cũng trong chương trình, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Hoàng Mai - bà Nguyễn Thị Bích Hạnh chia sẻ: “Việc tiếp cận thành công nguồn vốn của Ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh thể hiện được uy tín của doanh nghiệp. Để tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trước hết là phải cần có năng lực pháp lý, mức độ tín nhiệm, năng lực hoạt động và tài sản đảm bảo.

Trình bày về giải pháp tín dụng xanh, bà Hạnh cho rằng, chuyển đổi xanh là một quá trình cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế toàn cầu. Bà Hạnh thông tin: “Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Đến 30/09/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đạt hơn 564 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (gần 45%) và nông nghiệp xanh (hơn 30%). Định hướng tín dụng của VietinBank trong tương lai là sẽ ưu tiên cấp tín dụng xanh cũng như chủ động dành nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, danh mục tài trợ của VietinBank đã tăng trưởng gần 400% với gần 50.000 tỷ đồng cho các dự án liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, xử lý nước, xử lý rác thải…”

ThS. Trần Văn Hiển – Phó Trưởng ban đào tạo VINASME
Phiên thảo luận tại Chương trình.

Sau phiên trình trình bày của diễn giả, chương trình đã diễn ra phiên thảo luận về tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn phi truyền thống. Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đều đồng thuận rằng nguồn vốn, tín dụng ngân hàng được coi là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, hình thành cơ cấu vốn tối ưu và tập trung vốn sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh…Tuy nhiên, thực tế DNNVV hiện vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó, có nguyên nhân về thủ tục vay ngân hàng, tài sản thế chấp, tỷ lệ vốn vay của DNNVV chiếm tỷ lệ còn khiêm tốn.

Bà Hạnh chia sẻ rằng: “Về phía các ngân hàng thương mại, các ngân hàng nên thiết kế các sản phẩm đặc thù đối với DNNVV, xây dựng phương thức thẩm định phù hợp với DNNVV. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp các dịch vụ như tư vấn, đào tạo, thông tin hỗ trợ cho đối tượng khách hàng là DNNVV. Khi cả hai phía cùng chủ động về thông tin, kết nối, sẽ dễ dàng gặp gỡ và tiếp cận nhau hơn”.

ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup.

Trước những thực tiễn về khó khăn, thuận lợi khi triển khai xếp hạng tín nhiệm DNNVV được bàn trong chương trình, chia sẻ thêm với phóng viên về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho biết: “Trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, khó khăn lớn nhất khiến các doanh nghiệp bị hạn chế trong quá trình tiếp cận vốn là vấn đề minh bạch thông tin, đặc biệt là chất lượng báo cáo tài chính. Chính vì vậy tôi muốn khuyến nghị lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tập trung, không chỉ là chuyên môn và chất lượng sản phẩm/dịch vụ tốt, mà lưu ý về vấn đề minh bạch thông tin và chất lượng báo cáo tài chính, cũng như làm cách nào để nâng điểm tín nhiệm, điểm tín dụng của doanh nghiệp lên trong con mắt không chỉ của tổ chức tín dụng mà còn của đối tác kinh doanh”.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường khả năng tiếp cận vốn, quý III và quý IV/2024, VINASME sẽ triển khai xếp hạng tín nhiệm khoảng 100 doanh nghiệp thành viên.

Xếp hạng tín nhiệm DNNVV bao gồm 4 tiêu chí: Tiêu chí 1 về quản lý tài chính: các số liệu trong báo cáo tài chính. Tiêu chí 2 về quản trị doanh nghiệp: năng lực, trách nhiệm của người quản lý. Tiêu chí 3 về đánh giá tính khả thi của các dự án sản xuất, kinh doanh: tính khả thi của dự án kinh doanh, sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Tiêu chí 4 về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội: phát triển doanh nghiệp nhưng có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

VINASME đã đưa ra Kế hoạch triển khai xếp hạng tín nhiệm DNNVV năm 2024 theo các bước sau:

- Thường trực Hiệp hội phê duyệt đề án (qúy I/2024).

- Tham vấn tổ chức, cá nhân, chuyên gia hoàn thiện, phương pháp xếp hạng tín nhiệm, trong đó có Bộ tiêu chí xếp hạng tín nhiệm cho DNNVV (quý II/2024)

- Tiến hành triển khai xếp hạng tín nhiệm khoảng 100 DNNVV (quý III, IV/2024).

- Đánh giá, điều chỉnh và nhân rộng mô hình (quý IV/2024).

Kết quả xếp hạng này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp DNNVV có thể đi vay hoặc nhận bảo lãnh tử quỹ bảo lãnh tín dụng và các quỹ khác. Qua đó, thúc đẩy và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Bảo Trinh

Tags: