Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR CV60 được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 39,89% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2023; Đứng thứ 2 là chủng loại SVR 3L chiếm 36,68% và thứ ba là SVR 10 chiếm 13,22%...
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Nhật Bản, 7 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu 431,92 nghìn tấn cao su (HS: 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 106,79 tỷ Yên (tương đương 722,68 triệu USD), giảm 26,4% về lượng và giảm 31% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nhìn chung, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2023 hầu hết đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giảm mạnh nhất là cao su tổng hợp giảm 51,8%; Latex giảm 29,5%; SVR 20 giảm 21,3%; SVR 3L giảm 21,2%; SVR 10 giảm 21%...
Theo Cục Xuất nhập khẩu, từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, lượng và trị giá xuất khẩu sang thị trường này liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Nhật Bản. Nhập khẩu cao su của Nhật Bản từ các thị trường này đều giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 8 cho Nhật Bản với 5,44 nghìn tấn, trị giá 1,18 tỷ Yên (tương đương 8,03 triệu USD), giảm 6,4% về lượng và giảm 18,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,26% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Nhật Bản, cao hơn so với mức 0,99% của 7 tháng đầu năm 2022.
Ngọc Phi (TH)