Thực tế, tính đến 30/06/2021, có 9/27 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, thậm chí nhiều ngân hàng đưa tỷ lệ này lên 200-300%.
Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất 366%. Kế đến là Techcombank (259%), MB (237%) và ACB (208%). Một số ngân hàng khác có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% như TPBank (145%), BAB (137%), BIDV (131%).
Diễn biến này được lý giải vì theo bảng cân đối kế toán của ngân hàng, dự phòng sẽ phản ánh sự suy giảm của tài sản trước những tổn thất có khả năng xảy ra. Trong khi đó, trong bảng kết quả kinh doanh, dự phòng là một khoản chi phí phi tiền mặt, được ghi nhận làm giảm lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Dựa trên các khoản dự phòng, ngân hàng tính toán Tỷ lệ bao phủ nợ xấu để đánh giá khả năng phòng thủ của ngân hàng trước những rủi ro liên quan đến nợ xấu.
Theo quy định từ Thông tư 11/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 30/07/2021 quy định về phương pháp trích lập dự phòng rủi ro, số tiền dự phòng chung phải trích bằng 0.75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4. Tương ứng cứ cho vay 1 đồng, ngân hàng phải trích dự phòng chung 0,75 đồng, mặc dù khoản vay vẫn được đánh giá là tốt. Dự phòng chung thường chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số dư dự phòng.
Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với từng nhóm nợ gồm: Nợ tiêu chuẩn (Nhóm 1): 0%, nợ cần chú ý (Nhóm 2): 5%, nợ dưới chuẩn (Nhóm 3): 20%, nợ nghi ngờ (Nhóm 4): 50%, nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5): 100%.
PV