Về vấn đề thông báo trong tố tụng trọng tài trong thực tiễn yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Trung Quốc

09:00 27/07/2021

Việc được công nhận và thi hành phán quyết trọng tài rất quan trọng, nhằm đảm bảo đạt được mục đích và lợi ích cuối cùng của bên được thi hành trong vụ kiện. Trong thương mại và đầu tư quốc tế, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thường được các bên trong giao dịch lựa chọn, một trong những lý do rất quan trọng là việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài có tính khả thi cao hơn so với việc công nhận và thi hành bản án của tòa án nước ngoài.

Dưới đây là tập hợp một vài phân tích về thực tiễn vấn đề thông báo trong tố tụng trọng tài trong việc yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Trung Quốc, với mong muốn doanh nghiệp Việt Nam có những rà soát cần thiết trong trường hợp yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài tại Trung Quốc.

Về quy định pháp luật Trung Quốc liên quan việc xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Trung Quốc, người viết đã có bài đăng trên Tạp chí doanh nghiệp và hội nhập, bạn đọc có thể tìm hiểu theo đường link dưới đây: https://doanhnghiephoinhap.vn/mot-so-luu-y-ve-viec-yeu-cau-cong-nhan-va-thi-hanh-phan-quyet-trong-tai-tai-trung-quoc.html

Theo thông tin thống kê thu thập được, từ 2001 đến 10/2020, đã có 194 phán quyết trọng tài nước ngoài yêu cầu công nhận và thi hành tại Trung Quốc. Trong đó, 15 năm từ 2001 đến 2015 tòa án có thẩm quyền Trung Quốc thụ lý 90 phán quyết, không công nhận và thi hành 30 phán quyết; nhưng chỉ trong 5 năm từ 2016 đến 10/2020 đã thụ lý 104 phán quyết, vượt qua số phán quyết đã thụ lý của 15 năm trước, trong đó chỉ có 8 phán quyết không được công nhận và thi hành, số phán quyết được công nhận và thi hành là trên 92,3%. Trong 38 phán quyết không được công nhận và thi hành, tòa án có thẩm quyền của Trung Quốc đã áp dụng lý do “nếu bên phải thi hành phán quyết không được thông báo thích đáng về việc chỉ định trọng tài viên hay về tố tụng trọng tài hoặc do một nguyên nhân gì khác mà không thể trình bày vụ việc của mình” quy định tại điều 5 Công ước New York để không công nhận và cho thi hành là 7 phán quyết.

Việc bên phải thi hành có được thông báo thích đáng hay không là một thủ tục trọng tài rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Nói chung, kể từ khi bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên trong vụ tranh chấp phải được thông báo đầy đủ, trong thời hạn tố tụng về việc gửi thông báo và đơn khởi kiện, quyền gửi bản tự bảo vệ hoặc đơn kiện lại của bị đơn, việc lựa chọn hoặc chỉ định trọng tài viên, việc thay đổi trọng tài viên, việc thành lập hội đồng trọng tài, phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, tuyên bố phiên họp cuối cùng, tống đạt phán quyết trọng tài…Theo quy định của pháp luật Trung Quốc, các thông báo này do hội đồng trọng tài gửi đi, tuy nhiên pháp luật của một số nước quy định là do trọng tài viên của nguyên đơn hoặc hoặc trọng tài viên của bị đơn gửi. Thực tiễn pháp luật Trung Quốc không phủ nhận phương thức tống đạt theo pháp luật nước ngoài, nhưng sẽ xem xét nội dung đương sự có được thông báo thích đáng hay không trong quá trình xem xét công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Trung Quốc. Vụ Công ty quản lý vận tải biển thế giới xin công nhận và thi hành “Phán quyết trọng tài về hợp đồng thuê tàu ABRA ngày 28/12/2004” do hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp lập tại Luân đôn Anh là một ví dụ. Căn cứ khoản (4) điều 14 Luật trọng tài Anh năm 1996, trường hợp trọng tài viên phải do đương sự chỉ định, trình tự trọng tài và việc thông báo chỉ định trọng tài viên do một bên đương sự thông báo và tống đạt cho bên kia. Tuy nhiên nguyên đơn là Công ty quản lý vận tải biển thế giới không cung cấp được chứng cứ chứng minh Công ty Khải Cường Thiện Tân Trung Quốc xác nhận đã nhận được email, hoặc đã nhận được email, do đó không chứng minh được bên bị đơn đã được thông báo thích đáng về việc chỉ định trọng tài viên và trình tự trọng tài, tòa án có thẩm quyền của Trung Quốc đã quyết định không công nhận và cho thi hành phán quyết này. Ngoài trường hợp nguyên đơn là chủ thể phải thông báo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc bị đơn đã được thông báo thích đáng, việc thông báo từ hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp cũng có thể có sơ suất, khiếm khuyết. Ví dụ, một công ty Mông Cổ xin công nhận và thi hành phán quyết trọng tài Mông Cổ đối với Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Triển Thành Triết Giang Trung Quốc, hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp đã không ghi trình tự phán quyết và ngày phiên họp giải quyết vụ trang chấp trong văn thư gửi Công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Triển Thành Triết Giang Trung Quốc, làm cho công ty Triển Thành không có mặt tham gia phiên họp được, làm mất quyền trình bày tại phiên họp của công ty này, và đây là lý do để tòa án Trung Quốc không công nhận và thi hành phán quyết.

Trong thực tiễn, trường hợp có thay đổi đối với nội dung đã thông báo, thì cần có thông báo lại. Trong 7 phán quyết nêu trên Tòa án Trung Quốc không công nhận và cho thi hành, có 3 phán quyết có tình huống tương tự. Vụ Công ty hữu hạn tàu Đông Phong Hồng Kong yêu cầu công nhận và thi hành phán quyết trọng tài Hồng Kong về vận tải biển, Công ty Đông Phong đã không cung cấp được chứng cứ bằng văn bản về việc bên bị thi hành là Công ty Đông Phong đã được thông báo lại về việc chỉ định trọng tài viên. Do đó, nếu đã có thay đổi trong việc chỉ định trọng tài viên, việc thành lập hội đồng trọng tài hoặc về phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, thì việc đã được tống đạt thích đáng văn thư tố tụng trọng tài sẽ không có hiệu lực. Nhằm bảo đảm các bên được tham gia quá trình tố tụng trọng tài và các quyền khác của một bên trong quá trình tố tụng trọng tài, cần có thông báo lại, tránh vi phạm về trình tự tố tụng trọng tài, và loại trừ lý do bị từ chối công nhận và thi hành do đương sự “không được thông báo thích đáng”.

Luật sư Bùi Văn Thành-Trưởng Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới