Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đánh giá trong tờ trình về đề nghị xây dựng Nghị quyết này, chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích trong 20 năm qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2003-2010, tổng số thuế được miễn giảm trung bình khoảng hơn 3.268 tỷ đồng/năm; từ 2011-2016 là hơn 6.308 tỷ đồng/năm; từ 2017-2018 đến hết năm 2020 là hơn 7.438 tỷ đồng/năm; và từ 2021-2023 là khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Chính sách này đã có tác động lớn, hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, và giúp tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn. Điều này cũng góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm, và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Bộ Tài chính nhận định việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết trong thời gian tới.
Dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các Nghị quyết số 55/2010/QH12, số 28/2016/QH14, và số 107/2020/QH14 đến hết ngày 31/12/2030.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng ý với việc tiếp tục chính sách này, cho rằng chính sách đã mang lại nhiều tác động tích cực và việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian, công sức nhưng thu về không đáng kể so với tổng thu ngân sách.
Bộ Tài chính đưa ra hai phương án về thời gian miễn thuế: 5 năm và 10 năm. VCCI đề nghị chọn phương án 10 năm để đảm bảo sự ổn định chính sách, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và liên kết chuỗi giá trị trong nước và xuất khẩu. Những dự án này cần số vốn lớn và thời gian thu hồi vốn dài, do đó, cần sự ổn định về chính sách để doanh nghiệp yên tâm lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Linh Anh