Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia

15:33 26/05/2023

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh điều này trong Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho rằng, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia, với các hành vi ứng xử cụ thể. Đó là ứng xử với khách hàng, cộng đồng; là cách giao tiếp với đối tác trong và ngoài nước, trách nhiệm với xã hội, nhất là khi chúng ta tham gia vào các hiệp định đối tác song phương, đa phương thì vai trò của văn hóa doanh nghiệp càng được thể hiện sâu sắc, toàn diện.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc hội nghị
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Hội nghị.

“Ngày 28/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2214 phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2021- 2026, trong 5 nội dung trọng tâm của Chương trình, có một nội dung hết sức quan trọng là xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, trong đó nhấn mạnh các yếu tố nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động; nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ VHTT&DL đã ban hành Kế hoạch số 334 ngày 28/1/2022 triển khai thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH năm 2022. Đặc biệt, trong chủ đề công tác năm 2022, Bộ VHTT&DL xác định chủ đề trọng tâm là “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ”. Trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, Bộ đã phối hợp với Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan phát động và trao giải thưởng “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nói.

Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, cùng với nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, nhiệm vụ xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện trong các Nghị quyết trọng tâm về văn hóa: Nghị quyết TW 5 khóa 8 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết TW 9 khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”. Đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 và Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030 tiếp tục nhấn mạnh vai trò của xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong quá trình phát triển bền vững của đất nước. 

Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ lần này nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế bền vững
Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế bền vững.

Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế bền vững, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trịnh Thị Thủy đánh giá cao Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã lựa chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam cùng các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ - vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, là một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

“Với vai trò quản lý nhà nước về VHTTDL, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn tích cực, trách nhiệm phối hợp với Hiệp hội, các bộ, ngành liên quan trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam sẽ là cơ sở, tạo niềm tin vững chắc với cộng đồng doanh nghiệp trong lao động sản xuất, kinh doanh; khích lệ tính sáng tạo với những mô hình hay, cách làm mới để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có bước phát triển trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh
Ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, ông Trần Thế Thuận - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thủ tướng chính phủ đã chọn ngày 10/11 hàng năm là ngày Văn hóa doanh nghiệp với mục đích nêu cao ý thức tôn trọng pháp luật trong kinh doanh. Vì thế, xây dựng một Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh để điều chỉnh các hành vi hướng tới giá trị tốt đẹp là rất cần thiết, nhằm gìn giữ phát huy truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ông Thuận cũng nhấn mạnh thêm, trong Bộ tiêu chí có nội dung “5 Không”, bao gồm: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và bảo hiểm xã hội; Không lừa đảo, lợi dụng, làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật. Đó là những tiêu chí rất căn bản của văn hóa kinh doanh hiện nay mà doanh nghiệp nào cũng cần hội đủ. Trong giai đoạn 2020-2025, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu trên 85% doanh nghiệp có đăng ký xây dựng đạt chuẩn “Doanh nghiệp văn hóa”… Trong các hoạt động vinh danh doanh nghiệp cũng sẽ gắn liền với các tiêu chí đánh giá từ góc nhìn văn hóa…

Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và đại diện 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ
Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và đại diện 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Tại Hội nghị, ông Lê Tấn Phước - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Searefico, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu đến các doanh nghiệp nội dung Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh và Quy chế xét, công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”. Trong sự kiện cũng diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam giữa Ban tổ chức 248 và đại diện 8 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận và Ninh Thuận.

Đã có 34 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam qua 2 kỳ xét duyệt cho các năm 2021, 2022. Trong đó, có Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội, Ngân hàng TMCP Quân đội, Tổng Công ty May 10, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam…

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương (người đầu tiên bên phải)
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương (người đầu tiên bên phải).

Nói về văn hóa doanh nghiệp trong Chương trình Thương hiệu quốc gia tổ chức hàng năm của Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: “Khi tham gia BTC 248, chúng tôi thấy sự giao thoa rất lớn giữa tiêu chí công nhận sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, tiêu chí đánh giá doanh nghiệp, những vấn đề liên quan trách nhiệm xã hội, những quy định “5 Không”… là những tiêu chí bắt buộc nằm trong trách nhiệm xã hội khi chọn một sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia hay không. Thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chính phủ muốn quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam là một quốc gia hùng cường, có sản xuất, có sản phẩm chất lượng, có uy tín ra thế giới bằng việc sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Tôi cho rằng, những sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp được công nhận là văn hóa kinh doanh đáp ứng được Bộ tiêu chí chính là sản phẩm có thể là những nguyên liệu đem ra thế giới quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, gần đây chuỗi cung ứng toàn cầu đã hồi phục sau đại dịch Covid - 19 nhưng đã có sự thay đổi và đã bị khu vực hóa. Dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang một số quốc gia như Mỹ, châu Âu, Bắc Âu… Hàng loạt rào cản kỹ thuật, rào cản văn hóa, môi trường đã quay trở lại và ngày một gia tăng. EU là nền kinh tế đầu tiên gia tăng các biện pháp về tiêu chí, tiêu chuẩn phi thương mại cụ thể là chuyển đổi xanh, thương mại xanh… Họ yêu cầu những sản phẩm xuất khẩu vào EU thì phải không được liên quan đến phá rừng, lạm dụng lao động trẻ em, lạm dụng lao động tù nhân, không được gây ô nhiễm môi trường… thậm chí sang năm sẽ đánh thuế cacbon cho những sản phẩm xuất khẩu vào EU. Chính những tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh, tiêu chuẩn môi trường, liên quan pháp luật…là nền tảng chúng ta tựa vào đó để làm tấm vé thông hành xuất khẩu hàng hóa của chúng ta vào EU hay thị trường trình độ phát triển kinh tế lớn”.

Bà Vũ Thị Thu Hương - Phó Ban truyền thông và văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn dầu khí Việt Nam chia sẻ về những kinh nghiệm và giá trị nhận được khi tham gia chương trình Xét “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”
Bà Vũ Thị Thu Hương - Phó ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ về những kinh nghiệm và giá trị nhận được khi tham gia Chương trình xét “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm và giá trị nhận được khi tham gia Chương trình xét “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam”, bà Vũ Thị Thu Hương - Phó ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, nếu đạt được các tiêu chí này thì các DN sẽ đạt được những giá trị nhất định trong sự phát triển của mình, đặc biệt về tính xác thực của Bộ tiêu chí.

“Năm 2021, chúng tôi đã rất vất vả để đáp ứng đầy đủ cho Bộ tiêu chí. Trong quá trình làm, chúng tôi đã nhìn nhận về công tác triển khai văn hóa doanh nghiệp, là một trong 10 doanh nghiệp được công nhận, như là một gương soi để sau này nhìn vào hoàn thiện hơn những giá trị của mình cũng như góp phần vào xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì thế năm 2022, Tập đoàn đã đưa việc tham gia đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam tới 32 đơn vị kinh doanh của Tập đoàn và coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp tại các đơn vị doanh nghiệp của tập đoàn chúng tôi. Đây có thể nói là thành tích, là niềm tự hào của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và cũng là dịp để nhìn vào đó tiếp tục phát triển…”- bà Vũ Thị Thu Hương chia sẻ thêm.

Tọa đàm chủ đề
Tọa đàm chủ đề "Văn hóa Doanh nghiệp thời chuyển đổi số" với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số ở Việt Nam.

Bên cạnh nội dung giới thiệu Bộ tiêu chí, Hội nghị còn tổ chức Tọa đàm chủ đề "Văn hóa Doanh nghiệp thời chuyển đổi số" với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả có nhiều kinh nghiệm về xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số ở Việt Nam dưới sự dẫn dắt điều hành của ông Trần Văn Phát - Giám đốc điều hành Công ty ROBOT. Tại đây ThS. Vũ Ngọc Quyết - Chủ tịch Công ty CP công nghệ Locamos đã trao đổi về các xu hướng Martech 2023. Ông cho rằng, công nghệ là công cụ để thực hiện hóa và đối với doanh nghiệp để triển khai được phải có triết lý kinh doanh và từ đó lan tỏa đến tận khách hàng, DN có được mô hình kinh doanh tốt, đổi mới sáng tạo thì sẽ tạo ra các giá trị mới có sự khác biệt lớn hơn phục vụ cho thị trường. Còn bà Đinh Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty CP Misa đã nói về văn hóa Misa và kinh nghiệm áp dụng chuyển đổi số xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.

“Chúng tôi tận dụng tối đa giá trị kỹ thuật số trong hoạt động kinh doanh của mình. Thế giới đang thay đổi rất nhanh, vì thế chúng ta phải luôn bắt kịp, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau và lạc hậu, mọi thứ đều có thể thay đổi trong tích tắc, tiết kiệm rất nhiều thời gian và đạt được những hiệu quả cực kỳ nhanh chóng…” - Đó là những chia sẻ của ông Trần Văn Tâm - Tổng Giám đốc Khách sạn Continetal Sài Gòn, một trong những khách sạn có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn về cách thức quản trị điều hành cho doanh nghiệp của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Uyển Nhi