Theo đó, trả lời vấn đề đại biểu Nguyễn Kỳ Hồng (huyện Quế Phong) phản ánh: Thời gian qua, các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh, đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp gì để khắc phục hạn chế nêu trên theo tinh thần Nghị quyết số11 của Chính phủ?, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An Nguyễn Xuân Đức cho biết: Việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Nguyên nhân vì thủ tục đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách phải phụ thuộc vào rất nhiều quy định pháp luật. Để nhà đầu tư thực hiện thì phải trải qua 10 nhóm thủ tục: Từ chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, giải phóng mặt bằng… Trong quá trình thực hiện, các văn bản pháp luật thường xuyên được sửa đổi, bổ sung nên việc thực hiện theo các quy định còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, mức độ am hiểu trình tự, thủ tục để thực hiện dự án hoặc tiếp cận thủ tục đầu tư của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung. Thái độ hướng dẫn của một số cán bộ, công chức cho người dân, doanh nghiệp chưa nhiệt tình. Nguồn lực, dư địa đất đai ngày càng hạn chế, trong khi đó yêu cầu về thẩm định ngày càng cao, đặc biệt là thẩm định về hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả tài chính… Vì vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục cải cách trong lĩnh vực đầu tư ở các cấp, địa phương cần phải được triển khai quyết liệt.
Sau khi nêu lên những hạn chế, khó khăn, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An đưa ra các giải pháp, cụ thể: Các cấp, các ngành cần tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính để cắt giảm; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính mới; không ban hành hoặc yêu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục không có trong quy định. Tiếp tục nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức tại các vị trí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành. Xây dựng sổ tay hướng dẫn để thực hiện dự án trên địa bàn. Đẩy mạnh đánh giá năng lực cạnh tranh cấp ngành, cấp địa phương…
Trước vấn đề đại biểu Lữ Thị Khuyên (huyện Con Cuông) nêu: Trong thời gian tới, Sở KH&ĐT, UBND tỉnh có giải pháp gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phục hồi sản xuất, kinh doanh?, Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An cho hay: Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường là 1.640 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đóng cửa và không quay lại thị trường là hơn 940 doanh nghiệp. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, Sở KH&ĐT đã tham mưu 6 giải pháp trọng tâm, trong đó Sở đã tham mưu thành lập 5 tổ công tác đặc biệt thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các ngành đã tích cực hỗ trợ thuế, thuê đất, Bảo hiểm xã hội, miễn giảm phí, lệ phí.
“Trước đó, Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp, Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh phân bổ 6,22 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trong statup khởi nghiệp, phát triển đào tạo nguồn nhân lực. Hơn nữa, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh các dự thảo quy định lệ phí, phí đăng ký kinh doanh. Nếu được thông qua, phí thành lập các doanh nghiệp, Hợp tác xã sẽ giảm từ 50 - 60% so với trước đây. Sở đã chỉ đạo phòng đăng ký kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký kinh doanh qua mạng, hiện đã đạt 97%. Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng sổ tay hướng dẫn, sửa đổi các thủ tục đầu tư để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, đưa phần mềm quản lý dự án đầu tư trên địa bàn đi vào hoạt động vào tháng 8 tới đây. Hàng quý, phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tập hợp các kiến nghị để tham mưu xử lý…” – Giám đốc Sở KH&ĐT Nghệ An Nguyễn Xuân Đức cho biết thêm.
Văn Cương - Hoàng Lan