Vận chuyển đường bộ trở thành cứu cánh cho hàng Trung Quốc - châu Âu

10:18 23/10/2021

Nhà phân phối giày Hamm Market Solutions phải đảm bảo bộ sưu tập thu đông năm nay vận chuyển từ nhà máy tại tỉnh Quảng Đông đến nước Đức trong đúng thời hạn nếu không muốn thanh lý lỗ 84 nghìn đôi giày dép.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: EPA)

Một số nhà nhập khẩu châu Âu đã chuyển sang sử dụng vận tải đường bộ như một giải pháp thay thế bởi gửi giày bằng đường hàng không sẽ đội chi phí lên gấp nhiều lần. Vì vậy, vào tháng 7, nhà cung cấp của Hamm đã chất hàng đống giày dép vào 12 rơ-moóc xe tải.  Mười một trong số các chuyến hàng đã đến đúng hạn tại trụ sở chính ở thị trấn Osnabruck phía tây bắc nước Đức, dù giày dép phủ đầy bụi nhưng vẫn còn nguyên vẹn, cho phép Hamm phân phối đến các cửa hàng vào tháng trước.

Vận tải đường bộ trở thành cứu cánh cho các nhà nhập khẩu châu Âu năm nay. Theo dữ liệu do Sea-Intelligence của Đan Mạch tổng hợp, hai phần ba số chuyến vận chuyển hàng hóa đường biển toàn cầu trong tháng 8 bị trễ hạn, trung bình mỗi chuyến trễ 7,6 ngày, đánh dấu mức cao mới. Mặt khác, các chuyến đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu cũng di chuyển chậm hơn bình thường, do ảnh hưởng từ các kho hàng có dịch Covid-19 tại Tân Cương, khiến thời gian vận chuyển tăng thêm một tuần hoặc hơn.

Đồng thời, giá cước vận chuyển một container bằng đường biển từ châu Á đến Bắc Âu cao hơn sáu lần so với một năm trước. Bên cạnh đó, theo Chỉ số Vận tải Hàng không Baltic Exchange, giá cước vận chuyển hàng không giữa Trung Quốc và châu Âu cao hơn 50%, giá trung bình ở mức 42,42 nhân dân tệ (6,63 USD) mỗi kg, giảm so với mức đỉnh 48,31 đạt được hồi đầu tháng. Tỷ giá vận tải hàng hóa tăng lên đáng kể nhưng với các nhà nhập khẩu cần gấp như Hamm, mức giá này có thể chấp nhận được. Theo số liệu của công ty giao nhận hàng hóa Đức Doerrenhaus, giao hàng bằng xe tải từ Trung Quốc có thể tốn kém gấp đôi so với đường biển, nhưng sẽ chỉ mất từ một phần ba đến một nửa thời gian.

Một loạt các công ty hậu cần châu Âu, bao gồm Doerrenhaus, Hellmann Worldwide Logistics và DHL International đã triển khai dịch vụ vận tải đường bộ Trung Quốc - châu Âu vào nửa cuối năm 2020, khi gián đoạn vận tải biển ngày càng rõ rệt. DHL hiện gửi 30 - 50 xe tải mỗi tuần trong khi tần suất dịch vụ của Doerrenhaus đạt đỉnh khoảng 30 chuyến một tháng vào tháng 6 và tháng 7. Hellmann và một số nhà khai thác khác cũng cho rằng gửi xe tải đến các trung tâm sản xuất có biên giới Trung Quốc - châu Âu là lựa chọn tối ưu. Những chiếc xe sẽ được luân chuyển giữa tài xế Trung Quốc với tài xế châu Âu để đảm bảo hàng hóa vào sâu nội địa Tây Âu. Dieter Mauritz, người đứng đầu bộ phận giải pháp xe tải Trung Quốc tại Hellmann chia sẻ: “Các tuyến đường cao tốc dẫn đến biên giới của Trung Quốc có điều kiện thuận lợi, các tuyến đường giao nhau qua biên giới trở thành nút thắt cổ chai duy nhất. Mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ trừ khi có phát sinh Covid-19".

Mỗi xe tải thường chở một container vận chuyển tiêu chuẩn hoặc hàng hóa tương đương, giới hạn kích thước lô hàng thấp hơn nhiều so với mức có thể được gửi một lần bằng đường biển hoặc đường sắt ít hiệu quả hơn và không được đánh giá cao đối với các chủ hàng quan tâm tới môi trường. Hellman nhận thấy nhu cầu cao về việc vận chuyển các sản phẩm theo mùa cho Halloween và Giáng sinh cũng như phụ tùng ô tô, sản phẩm gia dụng cho các chương trình khuyến mãi ở siêu thị và các mặt hàng như pin lithium-ion. “Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là các nhà cung cấp hàng giảm giá của Đức, những người sợ mất khách nếu quá thười hạn giao hàng hay hàng hóa bị kẹt lại", tổng giám đốc Doerrenhaus Adrian Boenisch cho biết.

Mặc dù mối quan tâm đến vận tải đường sắt ngày càng tăng trong những năm gần đây, số liệu thống kê của công ty nghiên cứu IHS Markit cho thấy vận tải đường bộ từ Trung Quốc đến châu Âu luôn vượt qua vận chuyển bằng đường sắt. Năm ngoái, EU và Anh cùng nhận được 41 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc bằng đường bộ, gấp đôi lượng hàng đến bằng đường sắt. Trong khi vận tải biển mất thị phần vào năm ngoái do sự gián đoạn của ngành, đây vẫn được coi là phương thức thống trị đối với vận tải hàng hóa Trung Quốc - Châu Âu, đặc biệt là khi hàng hóa nhập khẩu được tính theo trọng lượng. Tuy nhiên, vận tải đường bộ đã tăng vọt trong năm nay. Theo Liên minh Vận tải Đường bộ Quốc tế có trụ sở tại Geneva, nhập khẩu của EU bằng đường bộ đã tăng 33% trong 8 tháng đầu năm 2021, gấp ba lần tốc độ chung. Mặc dù các nhà khai thác châu Âu hiện đang nhận thấy một số dấu hiệu hạ nhiệt nhu cầu vận tải đường bộ sau đỉnh điểm vận chuyển trước Giáng sinh, nhưng nhiều bên vẫn kỳ vọng lãi suất tiếp tục tăng cho đến khi vận tải biển trở lại bình thường.

TL (theo Nikkei Asia)