Mới đây, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với Vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Việc được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng thị trường khác.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, tổng diện tích vải thiều của 12 xã vùng cao trong huyện khoảng 4,6 nghìn ha. Năm 2020, sản lượng đạt hơn 50 nghìn tấn, giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng.
Người dân các xã vùng cao như: Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải, Phong Vân… còn tích cực áp dụng quy trình chăm sóc vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng, mẫu mã quả vải không ngừng nâng cao.
Quả vải to đều, chín đỏ đẹp, vị ngọt đậm, vận chuyển không bị dập nát. Do điều kiện thời tiết và đất đai của các xã này có nhiều khác biệt so với xã vùng thấp nên quả vải nơi đây chín muộn hơn từ 10 - 15 ngày. Vì vậy, vải thiều muộn vùng cao Lục Ngạn ngày càng nổi tiếng, dễ tiêu thụ.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lục Ngạn đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con chăm sóc vải thiều sau thu hoạch. Cùng đó, huyện tiếp tục định hướng người dân sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP và GlobalGAP, lựa chọn các vùng sản xuất có đủ điều kiện để tiếp tục chỉ đạo chăm sóc phục vụ xuất khẩu.
Hà Anh