Vải, nhãn - đại diện tiêu biểu của ngành rau quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới như thế nào?

11:08 01/06/2023

Theo thông tin dự báo của ngành Nông nghiệp, niên vụ 2023, vải thiều ước đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn, trong đó kế hoạch xuất khẩu lên đến 55% như mặt hàng vải thiều của Bắc Giang.

Ảnh minh họa
Niên vụ 2023, vải thiều ước đạt 330.000 tấn

Vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích khoảng 98,3 nghìn ha; chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền. Trong đó, vải 58,8 nghìn ha, nhãn 39,5 nghìn ha, tập trung tại một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng.

Trồng vải, nhãn cũng là sinh kế lâu dài của nhiều bà con nông dân, mang lại nguồn thu quan trọng cho các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La,... tạo nên thương hiệu, góp phần thu hút đầu tư, du lịch không chỉ cho địa phương mà còn cho sự phát triển chung của vùng.

Vải, nhãn còn là đại diện tiêu biểu của ngành rau quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới. Sản phẩm vải tươi nước ta đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu nhưng cũng đã bước đầu được xuất đi Nhật Bản và EU.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị vùng trồng, đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, sản lượng thu hoạch vải và nhãn được duy trì hoặc tăng đều qua các năm.

"Công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ xuất khẩu đến hiện tại đã cơ bản hoàn tất, hoạt động giao thương, vận chuyển, logistic với các thị trường nhập khẩu sau khi mở cửa trở lại về cơ bản đã thuận lợi", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn” chiều 31/5.

Ảnh minh họa
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 5/2023.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhận định: Bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Thị trường xuất khẩu luôn biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với mặt hàng quả vải, nhãn tươi, sản lượng tập trung lớn, thời gian bảo quản và tiêu thụ ngắn. Thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…

Tại các thị trường khác, bên cạnh nhiều rào cản phi thương mại khắt khe, chúng ta còn phải đối mặt với thực tế là sức mua giảm sút do tình hình lạm phát cao, nỗ lực giảm giá thành sản phẩm của chúng ta chưa đáp ứng được xu hướng khả năng chi trả của người tiêu dùng giảm.

Năm 2023, để chung tay, góp sức cùng các địa phương xúc tiến tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tạo nên một niên vụ vải, nhãn thành công cho bà con nông dân và doanh nghiệp, chúng ta cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong đó có thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn là giải pháp hữu hiệu trước mắt cũng như lâu dài. Đối với các thị trường tiềm năng nhưng khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Úc… lại cần cách tiếp cận bài bản, phân khúc sản phẩm cao cấp, nhấn mạnh vào chất lượng, an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến và câu chuyện thương hiệu.

Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ xuất khẩu cần kịp thời và đi vào thực chất. Cần tiếp tục làm tốt công tác cung cấp thông tin thị trường, chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và thông tin có tính dự báo về những yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm quả vải, nhãn Việt Nam.

“Về dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản”- Thứ trường Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đánh giá về cơ hội cạnh tranh, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, mặc dù Trung Quốc là nước trồng và xuất khẩu vải lớn nhất thế giới nhưng thời vụ của họ từ tháng 2 đến tháng 7, và hai tháng 6 - 7 là thời điểm cuối vụ, trong khi đây là chính vụ của Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội để trái vải Việt Nam chen vào cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Về xuất khẩu trái nhãn, cũng như trái vải, khách hàng chuộng hạt nhỏ. Các DN Việt Nam hiện chủ yếu xuất khẩu nhãn Ido - loại nhãn hạt nhỏ, cơm dày, ít nước, vị ngọt thơm, hấp dẫn. Loại quả này có thể cạnh tranh với nhãn Thái Lan, Campuchia. Mặc dù Campuchia cũng có nhãn xuất khẩu đi Trung Quốc nhưng nếu nhãn Việt Nam chất lượng ngang bằng hoặc hơn cũng sẽ chiếm lĩnh thị trường tốt hơn. Lý do là chi phí logistics của Việt Nam rẻ hơn so với Thái Lan và Campuchia.
Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến nghị tăng cường trồng theo tiêu chuẩn VIETGAP để mùa vải năm nay và các năm sau thành công. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc qua Việt Nam mua bán hoặc thỏa thuận hợp đồng.
"Điều quan trọng nhất là chất lượng. Nên ưu tiên hoặc khuyến khích các khu vực, vườn trồng vải trái to, hạt nhỏ để cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc nội địa, Thái Lan hoặc các nước khác. Vải Trung Quốc nhỏ, hạt to, màu sắc không đẹp, vị kém ngọt thơm so với vải Việt Nam", ông Nguyên chia sẻ.
Với Mỹ, thị trường này nhập khẩu nhiều vải từ Mexico nhưng trái vải của Mexico hạt to. Nếu vải Việt Nam xuất sang được sang Mỹ thì có thể cạnh tranh tốt với hàng Mexcico. Do đó, nên có ưu tiên, ưu đãi về cước phí máy bay để vận chuyển trái vải vào miền Nam chiếu xạ rồi xuất khẩu sang Mỹ và những nước khác. Hoặc có thể đàm phán với phía Mỹ để trái vải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng Methyl Bromide giống như Nhật Bản áp dụng thay vì phải chở vào phía Nam để chiếu xạ.
Ngoài ra, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với hải quan để có 1 luồng riêng hoặc cửa khẩu riêng ưu tiên xuất khẩu vải, nhãn vì hai loại quả này nhanh hỏng, không bảo đảm được độ tươi ngon nếu vận chuyển trong thời gian dài.
An Nguyên