Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến khó lường và có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới
Trong những năm gần đây, các dịch bệnh truyền nhiễm như cúm, tay chân miệng, tiêu chảy, và gần đây nhất là dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống y tế. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 10/4/2024, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc; tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, vừa qua cơn bão số 3 và lũ lụt đã gây ra ảnh hưởng nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, nguy cơ ô nhiễm môi trường - bùng phát dịch bệnh sau lũ là rất đáng lo ngại.
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, trong đó rửa tay với xà phòng là biện pháp hành động đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, việc rửa tay với xà phòng đúng cách sẽ làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn. Bàn tay sạch là biện pháp cơ bản hạn chế sự lây lan của các bệnh nhiễm trùng, bệnh lây qua đường hô hấp và vi khuẩn có hại. Cho dù ở bệnh viện, trường học hay trong các tương tác hàng ngày, việc thực hành rửa tay bằng xà phòng đều góp phần mang lại sức khỏe tốt hơn và một thế giới an toàn hơn cho mọi người.
Nhận thức về vệ sinh cá nhân và tỷ lệ rửa tay với xà phòng tăng cao trong 10 năm qua
Trong hơn thập kỷ qua, nhận thức của người dân về vệ sinh cá nhân, đặc biệt là thói quen rửa tay với xà phòng, đã có sự gia tăng đáng kể tại Việt Nam. Các chiến dịch truyền thông liên tục từ Bộ Y tế và các đối tác, như Unilever với nhãn hàng Lifebuoy, đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh thói quen rửa tay và cải thiện vệ sinh cá nhân. Nỗ lực này đặc biệt thể hiện qua các chương trình giáo dục cộng đồng, hướng dẫn cách rửa tay đúng cách, nhất là trong các môi trường dễ lây nhiễm như trường học và nơi công cộng.
Sự kiện mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024 do Bộ Y tế phối hợp tổ chức cùng UBND TP. Đà Nẵng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Unilever. |
Theo thống kê, tỷ lệ người dân rửa tay sau khi đi vệ sinh đã tăng gấp đôi so với năm 2012, hiện đạt khoảng 90,6%. Đây được xem là bước tiến quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, tay chân miệng và nhiễm trùng đường hô hấp. Kết quả này là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là sự đồng hành của Unilever và Bộ Y tế. Chiến dịch tiêu biểu như "Rửa tay với xà phòng - Vì một Việt Nam khỏe mạnh" đã tiếp cận hàng triệu người dân, cung cấp xà phòng miễn phí và tài liệu hướng dẫn rửa tay cho trẻ em tại trường học và cộng đồng. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Unilever đã nhanh chóng phát động chiến dịch "Vững Vàng Việt Nam", cung cấp hơn 2 triệu sản phẩm vệ sinh và triển khai các hoạt động truyền thông sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức về vệ sinh cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh.
Hành trình bền vững 29 năm vì sức khỏe người Việt
Những hoạt động thiết thực này được diễn ra liên tục và đều đặn qua xuyên suốt 29 năm kể từ năm 1995, không đơn thuần bảo vệ sức khỏe hiện tại mà còn xây dựng một nền tảng bền vững cho tương lai, gắn liền với thói quen vệ sinh cá nhân. Năm 2024 tiếp tục đánh dấu cam kết bền vững của Unilever thông qua việc triển khai nhiều chương trình ý nghĩa và thiết thực.
Một trong những trọng tâm trong giai đoạn này chính là giáo dục cộng đồng về vệ sinh và phòng bệnh. Hàng năm, Unilever cùng nhãn hàng Lifebuoy và Viện Pasteur TP.HCM duy trì các chương trình cảnh báo dịch bệnh, trang bị kiến thức cho phụ huynh về cách chăm sóc sức khỏe cho con em. Điển hình, chuỗi tọa đàm "Phòng bệnh mùa hè - Bé khỏe mạnh, không lỡ hè vui" vào tháng 6 năm nay đã giúp nâng cao nhận thức của nhiều gia đình về phòng tránh các bệnh mùa hè thường gặp ở trẻ em.
Unilever Việt Nam phối hợp tổ chức các Hoạt động văn nghệ hướng ứng Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng 2024. |
Trong năm 2024, Unilever và Lifebuoy còn phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai chương trình “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”, tổ chức khám bệnh, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí tại 30 tỉnh thành, tiếp cận hơn 30.000 người dân và trao tặng hơn 100.000 phần quà sạch khuẩn. Cụ thể, tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, gần 1.000 người dân đã được khám chữa bệnh bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng 33 phần quà hỗ trợ đặc biệt cho người cao tuổi và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo.
Không dừng lại ở các chương trình y tế, Unilever còn hướng đến phát triển bền vững thông qua chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ xây dựng gia đình 3 sạch”, từ đó trang bị kiến thức và cung cấp sản phẩm vệ sinh cho hàng nghìn phụ nữ tại 7 tỉnh thành, giúp cải thiện vệ sinh cá nhân và sức khỏe gia đình.
Không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe hiện tại, các nỗ lực của Unilever còn tạo nền tảng cho một tương lai khỏe mạnh hơn, hướng tới sự thay đổi bền vững trong hành vi vệ sinh. Những kết quả ấn tượng đạt được từ sự hợp tác với Bộ Y tế là minh chứng cho cam kết lâu dài của Unilever trong việc nâng cao nhận thức và cải thiện điều kiện sống cho hàng triệu người dân Việt Nam, xây dựng ngôi nhà chung vững vàng.