Với mục tiêu bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và giảm thiểu thấp nhất những tai nạn đáng tiếc, rủi ro do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng, xác định các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập úng, sạt lở cao để có phương án khắc phục.
Ngày 16/9, ông Võ Trường Giang, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành kiểm tra tình trạng cầu Bến Thủy 1 trên quốc lộ 1 và cầu Linh Cảm. Đây là một phần trong công tác kiểm tra và bảo đảm an toàn cầu cống sau sự cố sập cầu Phong Châu.
Ứng phó mưa lũ, Hà Tĩnh kiểm tra cầu bắc qua sông Lam và sông Ngàn Sâu. Ảnh LM |
Việc kiểm tra sẽ tập trung vào tình trạng xói lở lòng sông, mố và trụ cầu, cũng như các vấn đề liên quan đến đáy móng, cọc và các liên kết giữa cọc với đáy bệ trụ. Đồng thời, các kỹ sư sẽ kiểm tra gối cầu và kết cấu nhịp, giúp giảm tải trọng truyền xuống mố trụ, cùng với các kết cấu chịu lực khác để đảm bảo an toàn.
Riêng cầu Bến Thủy 1, do Chi nhánh BOT tuyến tránh TP. Vinh quản lý, sẽ được kiểm tra hệ thống chống ăn mòn cọc thép nhằm đánh giá khả năng chịu lực. Sau khi tiến hành khảo sát và đối chiếu với hồ sơ hoàn công, nếu phát hiện hư hỏng hoặc xói lở bất thường, đơn vị quản lý cầu sẽ đề xuất các biện pháp khắc phục.
Ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho biết: Với mục tiêu bảo vệ kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và giảm thiểu thấp nhất những tai nạn đáng tiếc, rủi ro do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hiện trạng, xác định các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập úng, sạt lở cao để có phương án khắc phục.
Đồng thời, triển khai sửa chữa, khắc phục mặt đường bị hư hỏng, bổ sung, sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu, thanh thải lòng cầu, lòng cống, chặt tỉa, đốn hạ cây có thể gây mất an toàn; xây dựng kế hoạch phân luồng giao thông, huy động nhân lực, vật tư thiết bị, dự phòng nguyên vật liệu để sẵn sàng ứng phó với diễn biến thiên tai với tinh thần nhanh nhất, hiệu quả, an toàn và đúng quy định.
Cùng đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở, kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện…