Tương lai nào cho Grab sau lễ rung chuông đầu tiên của Nasdaq tại Đông Nam Á?

11:32 03/12/2021

CEO Grab, Anthony Tan nhận định, kỳ lân công nghệ sẽ không thống trị Đông Nam Á nhưng đặt tham vọng đưa thị trường này phát triển vượt bậc.

Grab chính thức lên sàn Nasdaq ngày hôm
Grab chính thức lên sàn Nasdaq. 

Kỳ lân công nghệ Singapore Grab sẽ tăng tốc đầu tư vào công nghệ với số vốn 4,5 tỷ đô la huy động từ thương vụ niêm yết tại Mỹ thông qua SPAC. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Anthony Tan chia sẻ, một trong những trọng tâm trong tương lai sẽ là lập bản đồ kỹ thuật số chi tiết về các khu vực hoạt động của Grab, bao gồm các điểm đón dành cho dịch vụ gọi xe. Bản đồ sẽ giúp dịch vụ vận chuyển và giao hàng hiệu quả hơn.

Đối mặt với nhiều áp lực pháp lý đặt ra cho các công ty công nghệ toàn cầu, Tan cho biết, các nền kinh tế Đông Nam Á rất khác so với môi trường đã phát triển ở Mỹ và châu Âu. Cũng theo Tan, Grab sẽ đầu tư vào một số loại hình công nghệ nổi bật trong thập kỷ tới. Một là lập bản đồ. Sở dĩ công ty triển khai sáng kiến này vì đây là công nghệ mang tính bản địa hóa cao. Hiểu rõ các thị trường nhỏ lẻ sẽ mang lại lợi thế lớn so với nhiều công ty khác. Thứ hai, kỳ lân tập trung giải quyết phân phối hàng tạp hóa hiệu quả hơn cho các đối tác và tất cả người tiêu dùng. Phương án cụ thể bao gồm rót vốn vào ngân hàng kỹ thuật số và các dịch vụ tài chính hiện có cho dù là ví điện tử GrabPay hay Buy now Pay later. Tất cả những yếu tố trên đều được xây dựng dựa trên một công nghệ có thể mở rộng khắp các quốc gia. Đó là lý do tại sao Grab là một trong số ít các công ty có bộ giấy phép dịch vụ tài chính toàn diện như vậy ngay trong khu vực.

Khi được hỏi về kế hoạch vươn ra ngoài khu vực. Tan thẳng thắn chia sẻ quan điểm: "Tại sao chúng tôi lại muốn ra khỏi Đông Nam Á khi tất cả giới đầu tư đều đang nhắm đến mảnh đất màu mỡ này? Tỷ lệ thâm nhập của các dịch vụ kỹ thuật số vẫn còn tương đối thấp... chúng tôi có rất nhiều cơ hội để phát triển tại đây". Cũng theo nhà sáng lập, nếu có thể xây dựng mạng lưới giao hàng theo yêu cầu hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất trên toàn Đông Nam Á, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sẽ là đối tượng được hưởng lợi. Mục tiêu của Grab là xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính cốt lõi của tương lai, chẳng hạn như ngân hàng kỹ thuật số giúp tất cả MSME vươn lên. Một lần nữa, Anthony Tan nhấn mạnh: "Đối với tôi, đó là một cơ hội rất thú vị và cũng rất lớn. Bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng cốt lõi, chúng tôi sẽ vươn lên cùng Đông Nam Á".

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt chỉ tiêu EBITDA dương (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao) vào năm 2023 như kế hoạch, bởi trước đó, Grab đã hạ dự báo thu nhập cho năm nay do ảnh hưởng của Covid-19. Trả lời cho câu hỏi này, CEO cho hay: "Grab đã gặp khó khăn khi nhiều quốc gia đóng cửa, đặc biệt là tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi mong muốn xây dựng dựa trên lòng tin, sự thận trọng và minh bạch. Những gì công ty ghi nhận ngày hôm nay là chỉ số kinh doanh khả quan".

Một điều thú vị là, dù đã hoạt động được nhiều năm nhưng Grab vẫn tung ra nhiều ưu đãi cho khách hàng, tài xế và thương nhân. Có lẽ ít người biết rằng, đằng sau hiện tượng tưởng chừng đối nghịch như trên, kỳ lân công nghệ vẫn có tỷ suất lợi nhuận hàng đầu trong ngành. Đối với giao hàng thực phẩm, phần lớn các thị trường đang hòa vốn xét về EBITDA. Sau cùng, CEO của Grab chỉ ra thành công ngày hôm nay là nhờ công ty vẫn đứng vững trong một môi trường pháp lý phức tạp và xuất hiện đông đúc đối thủ cạnh tranh ở khu vực. Thống kê cho thấy, trước khi gia nhập Grab, 4/10 người thậm chí không có việc làm hay không có thu nhập. Ngày nay, công ty đã mang lại sinh kế cho hơn một triệu người. Nỗ lực của kỳ lân Singapore không dừng lại ở đó mà còn thúc đẩy thỏa thuận với chính phủ các nước thông qua chính sách hỗ trợ MSME số hóa, giải quyết vấn đề tại địa phương. Có thể nói, toàn bộ cách tiếp cận với môi trường pháp lý của Grab là làm việc hợp tác và đồng sáng tạo.

TL ( theo Nikkei Asia)