![]() |
Người lao động làm việc không trọn thời gian là 1 trong 7 nhóm mới tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Luật BHXH 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1.7.2025 |
Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong chính sách an sinh xã hội. Theo đó, 7 nhóm đối tượng mới sẽ được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc, góp phần quan trọng trong việc thu hẹp khoảng trống bảo vệ xã hội và hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Dưới đây là danh sách chi tiết 7 nhóm đối tượng mới sẽ bắt buộc tham gia BHXH theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 của Luật BHXH 2024:
1. Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh
Đây là nhóm lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Trước đây, chủ hộ kinh doanh chỉ có thể tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, từ 1.7.2025, họ bắt buộc phải tham gia BHXH và đóng trên mức thu nhập tự chọn, thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
2. Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương
Bao gồm các vị trí như thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, kiểm soát viên, đại diện vốn nhà nước, hoặc các chức danh quản lý được bầu… nếu không nhận lương, đều phải tham gia BHXH bắt buộc. Trước đây, nhóm này nằm ngoài phạm vi áp dụng do không có hợp đồng lao động và không có lương.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian
Những lao động làm việc bán thời gian nhưng thu nhập đạt mức tối thiểu để đóng BHXH sẽ được đưa vào diện bắt buộc tham gia. Điều này góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi của nhóm lao động linh hoạt, đang có xu hướng gia tăng trong thị trường việc làm hiện đại.
4. Người lao động có “hợp đồng không tên” nhưng có tính chất lao động
Luật mới cũng siết chặt quản lý các trường hợp hợp đồng không chính danh như “hợp đồng khoán việc”, “hợp đồng dịch vụ”… vốn được sử dụng để lách luật BHXH. Nếu các hợp đồng này có nội dung thể hiện quan hệ lao động thực chất (có trả công, có điều hành, giám sát...), thì người lao động và người sử dụng lao động đều phải thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH.
5. Lực lượng dân quân thường trực
Đây là lực lượng dân quân tự vệ hoạt động dài hạn tại địa phương. Lần đầu tiên, nhóm này được đưa vào diện tham gia BHXH bắt buộc, đảm bảo các chế độ an sinh xã hội như người lao động chuyên trách khác.
6. Người hoạt động không chuyên trách cấp xã
Trước đây, nhóm này chỉ tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, từ 1.7.2025, họ sẽ được tham gia đầy đủ các chế độ BHXH, bao gồm cả ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, theo Công văn 03 ngày 15.4.2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, cơ cấu người hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 1.8.2025. Chính quyền địa phương có thể sắp xếp lại lực lượng này, ưu tiên bố trí họ làm việc tại thôn, tổ dân phố.
7. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố
Đây là nhóm hoàn toàn mới được bổ sung. Theo Nghị định 33/2023, nhóm này hiện có không quá 3 chức danh hưởng phụ cấp hằng tháng. Tuy nhiên, với Luật BHXH 2024, họ sẽ chính thức được công nhận là đối tượng đóng BHXH bắt buộc, mở rộng quyền lợi an sinh cho lực lượng làm việc ở cơ sở.
Việc bổ sung 7 nhóm đối tượng mới tham gia BHXH bắt buộc cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc mở rộng chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây là một bước tiến cụ thể và có ý nghĩa trong lộ trình thực hiện BHXH toàn dân như đã được xác định trong các chiến lược cải cách chính sách xã hội.
Để thực thi hiệu quả, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người lao động cũng như nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH.