Trung Quốc muốn đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng tiền kỹ thuật số

17:12 24/04/2023

Tiền điện tử dự kiến sẽ giúp bảo vệ quyền riêng tư của mọi người vì các nền tảng thanh toán số không còn được tiếp cận thông tin giao dịch nữa.

Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được Trung Quốc phát triển từ 2014.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được Trung Quốc phát triển từ 2014.

Theo nguồn tin của STNC, một số cơ quan công quyền của thành phố Trường Thục, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc sắp trả lương cho nhân viên bằng tiền số. Công chức đang làm việc tại cơ quan nhà nước tại thành phố nói trên sẽ nhận lương tháng 5 dưới dạng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY). Thay đổi này sẽ tác động đến giáo viên, nhân sự ngành y tế cùng nhiều người làm việc tại các tổ chức công quyền.

Đây là bước tiến lớn của Trung Quốc trong việc thử nghiệm, thúc đẩy sử dụng tiền kỹ thuật số được phát hành bởi ngân hàng nhà nước. Theo SCMP, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu CBDC (Central Bank Digital Currency - Tiền điện tử của ngân hàng trung ương) từ 2014. Hệ thống chạy thử nghiệm từ 2020 tại Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô…

Một báo cáo khác lưu ý rằng, thành phố Trường Thục trước đây đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như thanh toán cho phương tiện giao thông công cộng, chi phí y tế, cửa hàng tạp hóa và các tiện ích như gas và nước.  

Thành phố Trường Thục thuộc thẩm quyền của Tô Châu, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Tô Châu là một trong những nơi thử nghiệm ban đầu của Trung Quốc cho đồng nhân dân tệ vào năm 2020.

Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh sử dụng e-CNY, song gặp nhiều trở ngại trong ba năm qua. Công chúng vẫn ưa chuộng các nền tảng thanh toán số phổ biến như WeChat Pay và AliPay, trong khi phạm vi ứng dụng của e-CNY còn hạn chế.

Chính quyền địa phương muốn quảng bá tiền kỹ thuật số bằng cách khuyến khích doanh nghiệp và công ty cung cấp dịch vụ công cộng như điện, nước chấp nhận e-CNY. Thường Thục dùng e-CNY từ tháng 6/2022 để trả 2,5 triệu NDT tiền làm thêm giờ cho khoảng 4.900 nhân viên trong doanh nghiệp nhà nước. Thành phố cũng dùng nó để chi trả cho các doanh nghiệp công nghệ cao, chi phí đi lại cho nhân viên và tiền thuê nhà.

Hồi tháng 2, Giang Tô triển khai kế hoạch nhằm nhân rộng việc sử dụng e-CNY vào năm 2025, trong đó có mua sắm chính phủ, đóng thuế, an sinh xã hội, chi phí giáo dục, y tế.

Bắc Kinh cho biết, NDT điện tử sẽ giúp bảo vệ quyền riêng tư của mọi người vì các nền tảng thanh toán số không còn được tiếp cận thông tin giao dịch nữa. Dù vậy, nó cung cấp thông tin thời gian thực về tất cả giao dịch do cá nhân, tổ chức thực hiện.

Tin tức trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số người dùng cho rằng, trả lương công chức bằng tiền kỹ thuật số dường như sẽ làm giảm nạn tham nhũng, song những người khác đặt câu hỏi liệu người cao tuổi có thích ứng được không.

Sự đẩy mạnh của chính phủ Trung Quốc để chấp nhận CBDC không được cư dân Hồng Kông đón nhận tốt. Trong bốn ngày đầu ra mắt của ví tiền tệ số, chỉ có 625 cư dân đã đăng ký.

Cho đến nay, hình thức thanh toán bằng CBDC chủ yếu được thử nghiệm nội bộ tại Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng các bất ổn chính trị leo thang có thể đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của đồng e-CNY tại nước này.

Phương Mai (t/h)