Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công bố nghiên cứu khoa học năm 2022

11:04 27/05/2023

Trung Quốc là quốc gia chi tiêu lớn rât nhiều cho nghiên cứu khoa học, với khoản tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vượt 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (426,6 tỷ USD) vào năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu sơ bộ vừa được tạp chí khoa học Nature công bố, năm 2022, Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia đóng góp nhiều nhất những bài báo nghiên cứu trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Kết quả này cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong giới nghiên cứu học thuật.

Thông kê mới dựa trên dữ liệu sơ bộ của Chỉ số Nature, bảng thống kê của Tạp chí khoa học Nature nhằm theo dõi nghiên cứu xuất bản trên 82 tạp chí ở nhiều lĩnh vực khác nhau của khoa học tự nhiên như khoa học môi trường và trái đất, khoa học sự sống, khoa học vật lý...

Trong số các tạp chí hàng đầu này phải kể đến Cell, Nature, Science, và Proceedings of the National Academy of Science.

Theo bài báo trên tờ Nature, những đóng góp của Trung Quốc đã liên tục tăng lên kể từ khi bắt đầu theo dõi từ năm 2014. Nước này cũng nổi lên là quốc gia xếp hạng hàng đầu về khoa học vật lý và hóa học vào năm 2021.

Chỉ số Nature Index cũng tính đến tỷ lệ tác giả từ một quốc gia trên mỗi bài báo được xuất bản. Nếu mỗi bài báo được viết bởi một nhóm các nhà nghiên cứu đều ở Trung Quốc được tính là 1 điểm thì năm 2022, Trung Quốc có gần 19.400 điểm, trong khi Mỹ có 17.610 điểm.

Nhưng Mỹ đóng góp gần 790 bài đăng trên hai tạp chí lớn là Nature và Science – cao hơn đáng kể so với 186 bài của Trung Quốc.

Tạp chí Nature nhận định, những đóng góp của Trung Quốc trong ngành khoa học toàn cầu đã liên tục tăng đáng kể từ khi chỉ số này được đưa ra vào năm 2014. Bắc Kinh cũng đang đứng đầu thế giới về khoa học vật lý và hóa học từ năm 2021.

Tương tự, báo cáo của Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhật Bản chỉ ra từ năm 2018 – 2020, Trung Quốc đóng góp 27,2% nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất thế giới, nằm trong tốp 1% về số lần trích dẫn. Còn Mỹ chỉ chiếm 24,9%.

Báo cáo cũng cho thấy, trung bình hàng năm Trung Quốc xuất bản 207.181 bài báo khoa học, vượt xa con số 293.434 của Mỹ.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về nghiên cứu khoa học. Hồi tháng 2, ông Tập thông báo chính phủ sẽ tăng cường tài trợ cho nghiên cứu khi giới hàn lâm thế giới ngày càng cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Trung Quốc là quốc gia chi tiêu lớn thứ hai thế giới cho nghiên cứu khoa học, với khoản tài trợ cho nghiên cứu và phát triển vượt 3 nghìn tỷ nhân dân tệ (426,6 tỷ USD) vào năm 2022.

Dữ liệu được cung cấp bởi nhà xuất bản tài liệu khoa học lớn nhất thế giới, Elsevier, cho thấy, Trung Quốc và Mỹ là những đối tác nghiên cứu song phương lớn nhất trên toàn cầu, với mỗi bên tạo ra khoảng 20% sản lượng học thuật của thế giới từ năm 2017 đến năm 2021.

Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên vượt qua Mỹ để dẫn đầu thế giới về số lượng bài báo được trích dẫn nhiều nhất - một chỉ số quan trọng về tầm ảnh hưởng khoa học.

Thu Trà (t/h)